Cách nào để TP.HCM huy động 4,4 triệu tỉ đồng?

25/08/2024 05:50 GMT+7

Ngày 24.8, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn định hướng kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 trên 5 nhóm lĩnh vực để đón nhận các góp ý, hiến kế của chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2025 - 2030.

THOÁT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, dẫn lại nhận định của nhiều chuyên gia rằng trong vòng 10 năm tới sẽ quyết định VN vượt lên bẫy thu nhập trung bình hay không. Do vậy, những mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn 2026 - 2030 vừa thực hiện được nhiệm vụ của nhiệm kỳ, vừa đặt nền tảng hướng đến mục tiêu cùng cả nước vượt lên bẫy thu nhập trung bình.

[TP.HCM dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026 - 2030 từ 8,5 - 9%]_[NHẬT THỊNH].jpg

TP.HCM dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026 - 2030 từ 8,5 - 9%

NHẬT THỊNH

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho rằng muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng năng suất lao động, nhưng thực tế những năm gần đây mức tăng trưởng năng suất lao động bình quân của TP.HCM đang thấp hơn cả nước và bước vào giai đoạn bão hòa. Sự chuyển dịch giữa các ngành không còn hiệu quả, thay vào đó TP.HCM nên chuyển dịch trong nội bộ ngành, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự đầu tư máy móc, thiết bị theo hướng xanh - sạch - số.

Về giải pháp, ông Hoàng đề xuất sớm tái cơ cấu lại các khu chế xuất, khu công nghiệp, kêu gọi những DN sếu đầu đàn, đánh giá lại các ngành công nghiệp trọng điểm. Đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, TP.HCM cần ưu tiên các ngành còn dư địa tăng trưởng như: thương mại, logistics, công nghiệp văn hóa, trung tâm tài chính, du lịch, y tế và giáo dục.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng khi đặt mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình và duy trì tốc độ tăng trưởng 9 - 9,5% thì công nghiệp vẫn phải là mặt trận hàng đầu. Hiện tỷ trọng sản xuất công nghiệp chỉ đóng góp khoảng 24% GRDP. Vị chuyên gia này chỉ ra hàng loạt chỉ số tỷ lệ đóng góp cho GDP cả nước, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM giảm dần. 5 năm trước, xuất khẩu của khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, chiếm trên 50% cả nước; nhưng nay chỉ còn hơn 30%, trong khi khu vực Đồng bằng Sông Hồng đóng góp 53%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần tập trung tái cơ cấu nội ngành, không chờ đến khi khu công nghiệp, khu chế xuất hết hạn mới thay đổi mà chuyển dịch ngay từ bây giờ. Nếu có chính sách rõ ràng thì DN sẽ có định hướng thay đổi công nghệ theo lộ trình. Ông Mãi lưu ý không chỉ ưu tiên kêu gọi đầu tư mới mà cần chú trọng hỗ trợ DN đầu tư mở rộng vì có sẵn nền tảng, thị trường.

THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ CÔNG TẠO VỐN MỒI

Một vấn đề khác được TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo là so với các đô thị lớn trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Bangkok (Thái Lan) thì TP.HCM chưa thật sự cho thấy đủ năng lực để cạnh tranh, thể hiện rõ qua các chỉ số đánh giá đô thị toàn cầu. Do vậy, ông cho rằng TP.HCM cần đặt mục tiêu lấy lại vị thế của mình trong giai đoạn 2026 - 2030 khi so sánh với từng thành phố cụ thể chứ không nêu chung chung. Để trở thành đô thị toàn cầu, hiện đại, đô thị văn hóa thì ngoài vấn đề kinh tế cũng cần chú trọng đến môi trường, văn hóa, xã hội.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng nêu nghịch lý TP.HCM đóng góp ngân sách nhiều nhưng chi ngân sách chưa tương ứng, đơn cử giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp 31% ngân sách nhưng mức chi chỉ 7%. Nói về vai trò của đầu tư công, ông Hoàng cho biết hiện 1 đồng vốn nhà nước chi ra thu hút được 5,5 đồng vốn xã hội. Nếu năm 2024, TP.HCM giải ngân hết hơn 79.000 tỉ đồng sẽ kéo được vốn đầu tư xã hội khoảng 400.000 tỉ đồng.

Ông Phan Văn Mãi phân tích, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%, giai đoạn 2026 - 2030 TP.HCM cần đầu tư khoảng 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 1,1 triệu tỉ đồng, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sau khi xác định tổng vốn đầu tư toàn xã hội, TP.HCM cần xác định nguồn từ đâu và cơ chế, chính sách như thế nào. "Cơ chế, chính sách quan trọng lắm, bên cạnh đó là môi trường đầu tư và năng lực hấp thụ", ông Mãi nói thêm.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, góp ý thêm nếu từ nay đến cuối năm 2025, TP.HCM giải ngân 170.000 tỉ đồng vốn đầu tư công thì sẽ có được kết cấu hạ tầng KT-XH tương đối làm bệ phóng tăng tốc cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, năm 2024, TP.HCM được phân bổ hơn 79.000 tỉ đồng nhưng đến nay mới sử dụng 14.000 tỉ đồng, nên đến cuối năm phải giải ngân 65.000 tỉ đồng, còn năm 2025 dự kiến giải ngân 105.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.