Cách nào tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước?

18/11/2024 10:58 GMT+7

Ông Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị những nguyên tắc và giải pháp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, từ bộ máy Đảng, Nhà nước, tạo động lực bước vào kỷ nguyên mới như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trao đổi với báo chí tại Hội thảo khoa học Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, ông Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là khâu đột phá, tạo động lực phát triển cho đất nước trong kỷ nguyên mới. Do đó, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, tinh gọn bộ máy cần được xem là cuộc cách mạng thực sự và phải rất quyết liệt mới có thể thành công.

"Phải có chương trình, đề án có tầm toàn quốc, có chỉ đạo chặt chẽ, để tất cả các cấu trúc của hệ thống chính trị phải đồng thời cải cách", ông Lê Minh Thông nói và nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là "từ trên xuống". Nếu để các cơ quan đề xuất tự đổi mới mình thì rất khó, mà phải "áp" từ trên xuống một cách quyết liệt.

Cách nào tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước?- Ảnh 1.

Ông Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

ẢNH: PHẠM HẢI

Tinh gọn từ bộ máy Đảng, khắc phục song trùng với bộ máy nhà nước

Để tinh gọn "từ trên xuống", nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất tinh gọn bắt đầu từ bộ máy Đảng như một phương thức đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trong tham luận tại hội thảo, ông Thông cho rằng, cần "mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm". Theo đó, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ T.Ư đến địa phương cần tăng cường sử dụng bộ máy nhà nước làm chức năng tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách.

Cụ thể, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề xuất nghiên cứu 3 giải pháp.

Thứ nhất là xây dựng và thực hiện phương án nhất thể hóa các chức danh đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở T.Ư và địa phương theo hướng: người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp.

Bố trí kiêm nhiệm ở một số chức vụ quan trọng giữa cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước, tạo điều kiện tinh gọn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Thứ hai, tinh gọn bộ máy tổ chức của Đảng, theo hướng các cấp ủy từ T.Ư đến các cấp địa phương sử dụng hiệu quả tổ chức bộ máy nhà nước trong vai trò là các cơ quan tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, đồng thời là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước.

Cách nào tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước?- Ảnh 2.

Ông Lê Minh Thông cho rằng, việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cần bắt đầu từ tinh gọn bộ máy của Đảng theo nguyên tắc không song trùng với bộ máy của Nhà nước

ẢNH: NHẬT BẮC

Cùng đó, nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp, hình thành các cơ quan tham mưu tổng hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, thẩm định chủ trương, chính sách, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy Đảng tại mỗi cấp.

Thứ ba, tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, cụ thể hóa các tiêu chuẩn cấp ủy viên, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy viên. Đồng thời, đổi mới phương thức bầu cử trong Đảng để Đại hội Đảng có thể bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy trên cơ sở cạnh tranh có số dư, bầu trực tiếp cơ quan kiểm tra của Đảng.

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, bảo đảm mọi quyền lực và thực thi quyền lực trong Đảng đều được kiểm soát chặt chẽ.

Giảm bớt bộ, ngành, ủy ban theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Về bộ máy nhà nước, theo ông Lê Minh Thông, cần tư duy lại vai trò của Nhà nước trong điều kiện hiện nay. Theo đó, sự thay đổi vai trò của Nhà nước cần quán triệt cả hai xu hướng: tăng cường sức mạnh của Nhà nước thông qua các biện pháp cải tổ mạnh mẽ bộ máy nhà nước từ kết cấu và tổ chức quyền lực...

Thứ hai là xu hướng phi nhà nước hóa, từng bước loại bỏ dần sự can thiệp của Nhà nước vào những lĩnh vực quan hệ xã hội mà tính chất của chúng không đòi hỏi sự can thiệp ấy, tăng cường các khả năng độc lập của các thiết chế chính trị xã hội khác theo hướng giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc (bảo trợ) của Nhà nước từ tài chính đến tổ chức.

Về tinh gọn bộ máy nhà nước, ông Lê Minh Thông nhấn mạnh, cần thực hiện theo Nghị quyết 27 năm 2022 của T.Ư về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cách nào tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước?- Ảnh 3.

Ông Lê Minh Thông đề nghị giảm bớt số bộ, ngành ở Chính phủ, ủy ban ở Quốc hội so với hiện tại theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực

ẢNH: NHẬT BẮC

Theo đó, tiếp tục tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm, tạo căn cứ để giảm bớt số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ so với số lượng hiện hành.

Đồng thời, tái cấu trúc lại các cơ quan thuộc Chính phủ theo mô hình các cơ quan thực thi để khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng tổ chức thực thi chính sách, phòng, chống nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Tương tự, ở Quốc hội, ông Thông đề xuất, toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ nghị trường, khắc phục những biểu hiện "hành chính hóa" trong hoạt động Quốc hội.

Đồng thời, sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó hợp nhất một số cơ quan quốc hội có nhiệm vụ, chức năng gắn bó mật thiết với nhau để giảm bớt số lượng các ủy ban, tinh gọn bộ máy của Quốc hội.

Ở địa phương, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phân định rõ thẩm quyền của chính quyền T.Ư và chính quyền địa phương, theo hướng phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương theo phương châm: địa phương tự quyết định các vấn đề của địa phương, địa phương tự làm, địa phương tự chịu trách nhiệm.

Hoàn thiện địa vị pháp lý của các cấp chính quyền địa phương theo yêu cầu của pháp nhân công quyền, tạo cơ chế để chính quyền địa phương tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế công chức địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng địa phương.

Đồng thời, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm các cấp hành chính trung gian, đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính các cấp địa phương, tạo không gian và nguồn lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.