Cách ôn thi các môn tự nhiên để đạt điểm cao

24/07/2020 07:45 GMT+7

Để đạt kết quả tốt nhất khi tham gia xét tuyển đại học các môn tự nhiên, thí sinh cần có chiến thuật ôn thi trong giai đoạn nước rút.

Chắc ăn với câu hỏi lý thuyết

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM), hướng dẫn các thí sinh (TS) nên dành nhiều thời gian rà soát lại kiến thức lý thuyết cơ bản ở từng dạng chuyên đề theo định hướng ôn tập thể hiện qua đề thi minh họa. Trong đề thi THPT quốc gia các năm trước hoặc đề thi minh họa môn hóa học năm nay, sự phân bố các câu hỏi lý thuyết lúc nào cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn bài tập. Vì thế, TS phải xác định rõ lý thuyết là điều quan trọng nhất, phải tích lũy thật chắc số điểm từ các câu lý thuyết này.
Cũng theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, sau khi thật sự chắc chắn phần kiến thức lý thuyết, TS rà soát lại các công cụ giải bài tập hóa học hữu hiệu như: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, bảo toàn điện tích, một số kinh nghiệm tính toán nhanh các bài tập cơ bản để giải quyết đại đa số câu hỏi trong đề thi.
Thạc sĩ Thanh chỉ ra cách ôn để nắm chắc lý thuyết và xử lý thông thạo các dạng bài tập trọng tâm. TS tiến hành giải thử đề thi đầy đủ 40 câu trong thời gian 50 phút, có canh giờ và chấm điểm xem mình đạt được số điểm bao nhiêu, còn thiếu và sai sót phần kiến thức nào để tiến hành rà soát lại nội dung đó lần nữa cho chắc chắn…

Xây dựng nội dung trọng tâm

Dựa vào cấu trúc đề minh họa và phần tinh giản môn vật lý của Bộ GD-ĐT, giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, đưa ra lời khuyên mỗi TS hãy cố gắng tăng cường khả năng tự học. Mỗi TS cần có sổ tay để ghi chép những nội dung chính yếu, các công thức cũng như sơ đồ hệ thống kiến thức… Phải thực hiện thật nghiêm túc lịch học cho dù ở nhà, nhớ bám sát nội dung ôn tập của giáo viên, tránh học dàn trải, mất thời gian mà không hiệu quả. Khi đã lựa chọn bài thi, điền phiếu đăng ký nguyện vọng, hãy bằng mọi cách thực hiện mục tiêu của mình, tạo động lực cho bản thân.
Bà Dung khuyên để việc học trở nên nhẹ nhàng, tránh áp lực không đáng có, TS cần xây dựng nội dung trọng tâm, chẳng hạn ở chương trình lớp 12, lưu ý 3 chương Dao động điều hòa; Sóng cơ và Điện xoay chiều. Trong đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, câu hỏi ở các phần trên tăng so với những năm trước và phân bố đều từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao.

Đừng cố gắng thuộc lòng

Theo giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, mỗi môn thi có một số nét riêng, khác nhau để ôn tập và môn sinh học là môn lý thuyết. Các kiến thức cần học rất nhiều, ngoài ra trong đề thi còn có câu hỏi tính toán thuộc phần di truyền học. Vì vậy, việc ôn tập cần định hướng là vừa ôn lý thuyết và vừa làm bài tập.
Về việc ôn lý thuyết, thực tế cho thấy giai đoạn này TS đừng cố gắng học thuộc lòng hết kiến thức trong sách giáo khoa, vì đề thi chỉ hỏi vài câu học bài, còn lại chủ yếu là hiểu và vận dụng kiến thức. Thay vào đó, TS hãy xác định các kiến thức chính trong mỗi chương, nhớ các ý chính trong mỗi kiến thức này bằng cách vẽ các sơ đồ tư duy. Ngoài ra, trong quá trình học, TS cố gắng hiểu tại sao có kiến thức như vậy, các kiến thức này có ý nghĩa gì đối với con người và thế giới sinh vật.
Ông Bình nhắc TS nên xem kỹ các dạng bài tập về biến dị và di truyền mà đề thi từng hỏi trong các kỳ thi năm trước. TS có thể tham khảo thêm các sách nhưng nên tập trung vào các dạng bài tập đề từng hỏi, vì phần này có rất nhiều công thức, trong đó có nhiều công thức không còn phù hợp nên không được hỏi trong đề thi nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.