Tôi được bố mẹ cho một căn nhà. Ông bà lo lắng, sau này tôi lấy chồng nếu không hạnh phúc, khi ly hôn sợ sẽ bị chia đôi căn nhà. Vì thế họ không sang tên cho tôi.
Vậy trước khi kết hôn, tôi và chồng sắp cưới có thể làm thỏa thuận tài sản nào là chung, riêng được không? Việc tự lập văn bản và cả hai cùng ký tên thì có giá trị pháp lý không? Nếu không, thì cần phải làm những thủ tục như thế nào và làm ở đâu?
Bạn đọc Lê Dương thắc mắc với Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn
TS Nguyễn Vinh Huy (Hệ thống luật Thịnh Trí) tư vấn, căn cứ điều 33 luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được tặng cho riêng. Do đó, tài sản mà cha mẹ bạn cho trước khi kết hôn là tài sản riêng của bạn.
Theo quy định tại điều 44 luật Hôn nhân và gia đình, thì bạn không cần làm văn bản tài sản riêng với các tài sản trên. Đồng thời, bạn cũng không cần lo lắng về việc nhập tài sản vì quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung là quyền quyết định của bạn.
Văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản và được công chứng (điều 38 luật Hôn nhân và gia đình). Cho nên việc hai bên chỉ tự lập văn bản và ký tên mà không qua công chứng thì không có giá trị.
Nếu muốn phân chia tài sản, thì bạn và chồng sắp cưới đến các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại nơi có bất động sản trong phạm vi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để yêu cầu công chứng, chứng nhận tài sản nào là chung và riêng.
Bạn phải xuất trình bản chính các giấy tờ như: phiếu yêu cầu công chứng; dự thảo hợp đồng, giao dịch; bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng...
Bình luận (0)