Mặc dù không khí lạnh không ảnh hưởng đến miền Nam mạnh như miền Bắc nhưng mới qua 2 ngày trời lạnh, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp đã nhích lên.
Bé sơ sinh bị bệnh hô hấp được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi |
Bệnh hô hấp tăng khi trời lạnh
Hôm nay (26.1), bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Hô hấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Khoa Hô hấp là khoa luôn trong tình trạng quá tải của Bệnh viện Nhi đồng 1. Đặc biệt, những ngày nay, thời tiết đột ngột lạnh khiến trẻ bị bệnh hô hấp và phải nhập viện có nhích lên. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 10% so với ngày thường.
Hiện tại, trong Khoa Hô hấp có hơn 280 bệnh nhi đang nằm viện.
Theo bác sĩ Tuấn, thời tiết lạnh là điều kiện phát triển thuận lợi cho nhiều loại vi-rút như cảm lạnh, cúm mùa. Trẻ bị cảm lạnh nhẹ có thể điều trị ở nhà, tự khỏi. Đặc biệt ở trẻ em cần phòng ngừa vi-rút hợp bào hô hấp. Đây là vi-rút gây bệnh cúm.
“Người lớn khi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường chỉ bệnh nhẹ cảm, ho thông thường, có thể tự khỏi. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, khi bị vi-rút này tấn công có thể bị viêm tiểu phế quản, trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Cứ 3 trẻ nhập viện bị viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp thì có đến 2 trẻ nặng, phải thở ôxy. Vì vậy, người lớn khi bị cảm ho cần đặc biệt cẩn thận, tránh lây cho trẻ nhỏ”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Một bệnh khác nguy hiểm với trẻ khi trời trở lạnh là viêm phổi. Theo bác sĩ Tuấn, các nghiên cứu y tế ghi nhận, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Cứ 35 giây là có một trẻ tử vong do viêm phổi.
Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thêm: viêm thanh quản cấp cũng là một trong các bệnh hô hấp nổi bật thường gặp ở trẻ khi trời lạnh. Với bệnh viêm thanh quản cấp, trẻ bị khan tiếng, khó thở và thường cơn khó thở xảy ra vào chiều tối và gần sáng.
Nhiều trẻ đến bệnh viện khám do bị bệnh hô hấp trong những ngày trời lạnh - Ảnh: Nguyên Mi
|
Đồng thời, theo các bác sĩ, thời tiết lạnh, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến trẻ bị suyển. Trời lạnh trẻ rất dễ lên cơn suyển, nhất là khi trẻ bị nhiễm lạnh sẽ dễ bị viêm đường hô hấp. Trẻ bị suyển mùa lạnh cũng thường lên cơn suyển, không thở ra được vào lúc nửa đêm và gần sáng. Vì vậy, ba mẹ cần chú ý theo dõi, chăm sóc con khoảng thời gian này.
“Trẻ bị hen suyển mùa này cần cẩn thận, có thể chích ngừa cúm và phế cầu. Các bé đang phải dùng thuốc thì không được ngưng thuốc hay giảm liều trong thời gian này”, bác sĩ Tuấn nói.
Cách phòng bệnh hô hấp
Cách phòng các bệnh hô hấp hiệu quả nhất bác sĩ Tuấn khuyên phụ huynh là rửa tay sạch sẽ. Vì bàn tay là con đường lây nhiễm của hầu hết các bệnh, đặc biệt là bệnh hô hấp.
Theo bác sĩ Tiến, để phòng bệnh cho trẻ khi trời lạnh, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt, ở miền Nam, mặc dù ảnh hưởng của không khí lạnh không mạnh như miền Bắc nhưng đặc trưng của miền Nam là ngày nóng, đêm lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Vì vậy, trẻ dễ nhiễm lạnh do trong ngày, đầu tối trẻ ăn mặc phong phanh, thường nằm máy lạnh, quạt mạnh; đến nửa đêm khi nhiệt độ hạ thấp thì phụ huynh quên tắt, điều chỉnh quạt, máy lạnh; không giữ ấm cho trẻ buổi tối.
Mặt khác, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên chú ý dinh dưỡng, cho trẻ ăn uống đầy đủ; chích ngừa, uống vitamin đúng lịch để tăng sức đề kháng, miễn dịch phòng bệnh.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo thêm, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tốt nhất là cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn; các gia đình (đặc biệt là ở nông thôn) nên thay thế bếp than bằng các loại bếp không khói, nấu bằng nguyên liệu sạch khác.
Bình luận (0)