Sơ cứu kịp thời giúp làm giảm rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị tiếp theo tại cơ sở y tế hoặc ít nhất là không làm nặng thêm các chấn thương.
Sau đây, bác sĩ CKI Nguyễn Quốc Huy, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ cách sơ cứu một số chấn thương thường gặp như trầy xước, rách da.
Đối với các vết rách, vết xước nhỏ. Nhẹ nhàng dùng nước mát làm sạch vết thương và loại bỏ các dị vật nếu có, rồi dùng khăn lau khô.
Thường các vết thương nhỏ sẽ cầm máu rất nhanh, bạn chỉ cần dùng ngón tay cái lót gạc để ép lên vết thương một lúc, sau đó sát khuẩn với dung dịch povidine, băng lại bằng băng keo cá nhân.
Nếu vết thương lớn hơn, bạn dùng gạc vô khuẩn và băng cuộn mua tại nhà thuốc để băng lại.
Đối với vết rách lớn chảy máu. Cầm máu rồi sau đó rửa sạch. Lót gạc vô khuẩn hay khăn sạch, dùng ngón cái đè ép tập trung lên vết thương để cầm máu, tuyệt đối không dùng các biện pháp cầm máu như thuốc lá, lá cây nghiền nát, hoặc bất cứ thứ gì khác đắp lên vết thương vì điều này sẽ gây khó khăn cho việc làm sạch và điều trị vết thương sau đó.
Nếu vết thương ở tay thì bạn có thể nâng cao tay, cầm máu sẽ dễ dàng hơn. Nếu chảy máu vẫn tiếp tục, bạn có thể đặt lên vết thương mấy miếng gạc dày và quấn băng thun chặt tay dần cho đến khi ngừng chảy máu, chuyển gấp nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với các chấn thương chảy máu nặng. Nên dùng băng thun quấn chặt dần lên vết thương đang chảy máu cho đến khi ngừng chảy máu thay cho ga-rô xoắn, an toàn hơn. Sau đó chuyển gấp nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Biện pháp đặt ga-rô xoắn có thể được sử dụng nhưng đây thực sự là phương sách cuối cùng, thí dụ như trường hợp có khả năng bị mất chi, để giảm nhẹ các nguy cơ khác đi kèm, và chỉ được thực hiện bởi các nhân viên y tế thực thụ.
Bình luận (0)