Cách tăng cường bảo mật tài khoản Facebook trước tin tặc

02/08/2018 15:56 GMT+7

Tài khoản Facebook chứa nhiều thông tin cũng như các liên lạc cá nhân nên ngày càng trở thành “món mồi ngon” trong mắt tin tặc.

Việc bảo mật Facebook dần trở nên quan trọng hơn đối với người dùng để bảo vệ thông tin của chính mình cũng như người thân. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn người dùng một số cách cơ bản để tự tăng cường tính an toàn cho tài khoản của mình.
Bật tính năng xác thực và cảnh báo đăng nhập
Facebook cung cấp nhiều phương thức xác minh cho người dùng để bảo vệ tài khoản Ảnh chụp màn hình
Đây là hai tính năng bảo mật quan trọng được tích hợp trong mọi tài khoản Facebook. Với lựa chọn cảnh báo đăng nhập, người dùng có thể biết mỗi khi tài khoản của mình được đăng nhập trên một thiết bị mới (máy tính, điện thoại…). Chi tiết thông tin việc đăng nhập sẽ được gửi tới thiết bị tin cậy và email của người dùng, bao gồm thời gian, địa điểm cũng như máy thực hiện thao tác này.
Để kích hoạt, người dùng vào phần Cài đặt (của Facebook) > Bảo mật > Đánh dấu vào tùy chọn Cảnh báo đăng nhập. Các bước tiếp theo sẽ được hướng dẫn cụ thể và dễ dàng để người dùng làm theo.
Ngay bên dưới Cảnh báo đăng nhập là tùy chọn Xét duyệt đăng nhập. Sau khi được bật, người dùng sẽ có khả năng từ chối hoặc đồng ý cho các thiết bị lạ (chưa từng đăng nhập trước đó) sử dụng tài khoản Facebook của mình. Đây là một tùy chọn bổ sung cho Cảnh báo đăng nhập và tăng cao tính bảo mật cho tài khoản.
Ẩn thông tin xác minh
Các thông tin xác minh quan trọng như số điện thoại, email cá nhân (dùng để đăng nhập hoặc sử dụng kèm tài khoản Facebook) nên được ẩn (chọn chế độ Chỉ mình tôi - Only me). Với lựa chọn này, kẻ gian sẽ gặp khó trong việc nắm được dữ liệu quan trọng sử dụng trong quá trình xác thực tài khoản khi có vấn đề về đăng nhập hoặc cài đặt lại mật mã, cũng như thực hiện thay đổi về thông tin.
Kích hoạt bảo mật 2 lớp
Bảo mật 2 lớp đang là lựa chọn của nhiều hãng cung cấp dịch vụ trực tuyến hiện nay, không chỉ với Faceboook. Khi bật xác thực và cảnh báo đăng nhập, người dùng vẫn có thể chọn cách nhận mã OTP (sử dụng một lần) được gửi qua tin nhắn tới số điện thoại cá nhân đăng ký trước, hoặc sử dụng tính năng tự tạo mã. Đây là một lựa chọn hữu ích dành cho ứng dụng Facebook trên thiết bị di động, giúp tạo ra những mã bảo mật dùng một lần và thay đổi sau mỗi 30 giây.
Xác thực 2 lớp rất cần thiết trong việc bảo vệ tài khoản cá nhân Ảnh chụp màn hình
Để kích hoạt, người dùng vào Cài đặt > Bảo mật > chọn Chỉnh sửa bên cạnh mục Xét duyệt đăng nhập > Trình tạo mã > Thiết lập. Trên ứng dụng di động của Facebook sẽ có một lựa chọn tên Trình tạo mã, là nơi tạo ra mã bảo mật nói trên.
Bổ sung phương án lấy lại tài khoản
Để phòng trường hợp tài khoản bị tin tặc tấn công và cướp quyền quản lý, người dùng nên thêm phương án dự phòng để có thể lấy lại tài khoản khi cần. Bằng cách thêm các số liên lạc tin cậy, chủ tài khoản đích thực có thể nhờ bạn bè của mình gửi lại các mã xác minh do Facebook gửi trong trường hợp báo cáo mất thông tin.
Các tài khoản bạn bè phải được cài đặt từ trước trong mục Liên hệ tin cậy ở phần Cài đặt của Facebook.
Không kết bạn với người lạ
Các chuyên gia bảo mật đã chứng minh việc kết bạn với người lạ có thể dẫn tới việc mất thông tin cá nhân vì thói quen hiển thị nội dung cho nhóm Bạn bè xem. Do vậy, người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh các tài khoản gửi yêu cầu kết bạn với mình, tránh bị lợi dụng thông tin hoặc mời chào, quảng cáo các loại sản phẩm gây “rác” trang cá nhân.
Kết bạn bừa bãi có thể khiến người dùng mất tài khoản Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, mới đây mạng xã hội này còn xuất hiện một số kẻ lợi dụng kết bạn với “con mồi” rồi sau đó thêm vào danh sách quản trị của một Fanpage bất kỳ có đăng các nội dung đồi truỵ, vũ khí hoặc ma túy… thuộc danh mục cấm của Facebook.
Sau đó kẻ gian sẽ báo cáo vi phạm đối với Fanpage đó và đội ngũ kiểm soát viên của Facebook sẽ tiến hành khóa trang bất tuân các tiêu chuẩn cộng đồng, đồng thời khóa vĩnh viễn tài khoản các quản trị viên của trang đó (có bao gồm tài khoản của nạn nhân bị cố tình hãm hại).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.