Đặc biệt, Đạt muốn giúp cho những anh chị công nhân, hoặc bạn trẻ thành phố, những "nông dân sân thượng" không có diện tích và đất để trồng cây, cũng như không có nhiều kinh phí để đầu tư thì vẫn có thể tự trồng rau sạch tươi tốt ăn mỗi ngày.
Rất phù hợp cho “nông dân sân thượng”
Mặc dù ngày nghỉ lễ (1.5), nhưng Trần Tiến Đạt (25 tuổi, quê ở huyện Củ Chi, TP.HCM) đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về cách trồng rau trên sân thượng. Đạt đã tự mày mò nghiên cứu những cách thức trồng rau đơn giản, ít tốn chi phí và công chăm sóc nhưng rau vẫn phát triển nhanh và vô cùng tươi tốt.
|
“Mình không có chuyên môn sâu về nông nghiệp nhưng gia đình thì có truyền thống làm nông lâu đời, từ nhỏ cũng hay phụ ba mẹ làm nông nên cũng biết một vài kinh nghiệm. Nhưng hiện nay, mình đi làm ở trên trung tâm thành phố, một tuần mới về nhà một lần, không có thời gian nên mình mới nghĩ ra cách gì đó trồng rau mà không phải tốn công chăm sóc thường xuyên. Bên cạnh đó, mẹ có xây mấy khu dãy trọ cho các anh chị công nhân thuê, nên mình cũng muốn thử nghiệm các cách thức trồng rau tiết kiệm để hướng dẫn cho những anh chị công nhân có thể áp dụng để trồng”, Đạt chia sẻ về lý do mày mò nghiên cứu các cách thức trồng rau đơn giản, tiết kiệm mà rau vẫn tươi tốt.
Điều đặc biệt, Đạt tự thiết kế bộ vật tư để trồng thủy canh nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư. “Thay vì phải đầu tư nguyên bộ để trồng rau thủy canh thì mọi người có thể tận dụng thùng xốp, sau đó khoét các lỗ (sao để bỏ vừa rọ trồng cây) trên nắp thùng xốp. Các rọ trồng cây này cũng không cần phải mua mà mọi người có thể tận dụng chai nước suối cắt đôi và lấy cây nhang để đục lỗ (để rễ cây đâm xuống được nước), và như thế là có được bộ trồng cây thủy canh mà không tốn chi phí nào cả”, Đạt chia sẻ.
Cây không những ít bệnh mà còn nhanh tốt
Đạt cho biết những rọ (có thể cắt từ chai nhựa) này mọi người cho đất vào hoặc có thể là xơ dừa, đất sạch, trấu sống trộn phân trùn quế, hay đơn giản là có gì thì bỏ vào cái đó. Đạt cho biết nếu mua rọ trồng thủy canh ở ngoài thì người ta bán có sẵn những vật dụng chuyên dụng để ươm cây, còn tự chế tại nhà thì mọi người phải dùng đất. Lúc đầu đất sẽ rã ra trong nước (ít thôi), nhưng khoảng 3-4 ngày rễ mọc ra và ôm bầu đất lại. Đặc biệt là mọi người dùng đất gì cũng có thể trồng được, do đất này chủ yếu là để cho bầu rễ ra và cứng cáp cây, còn cây chủ yếu lấy dinh dưỡng từ nước nên đất gì không quá quan trọng.
|
“Dịch trùn quế thì mọi người pha 30cc với 16lit nước (khoảng 2 nắp dịch trùn quế cho 1 thùng xốp). Hỗn hợp nước và dịch trùn quế này mình cứ để ngập cỡ 1/3 hoặc 1/2 rọ cũng được và rễ sẽ tự đâm dài ra. Sau khoảng 2-3 ngày nước trong thùng cạn dần thì mọi người châm thêm nước thường vào. Lưu ý sau khi thu hoạch, mọi người cắt ngắn rễ và mỗi lần hụt nước thì chỉ châm thêm nước chứ không pha thêm dịch trùn quế, dịch này chỉ châm thêm sau khi thu hoạch vì nếu châm dư dịch này thì cây sẽ vàng lá còn châm ít cây lại lâu phát triển”, chàng trai trẻ cặn kẽ.
|
Đạt cho biết loại hình này rất thích hợp với những "nông dân thành phố”, "nông dân sân thượng" không có nhiều diện tích và cũng không có đất mà vẫn có thể trồng được rau để ăn. “Nếu có điều kiện, bạn chỉ cần đầu tư thêm cái kệ và mỗi kệ để một thùng xốp, như vậy vừa tiết kiệm diện tích mà lại có rau tha hồ ăn. Ngày xưa lúc mới làm, mẹ mình nói nhà quá chừng đất mà hơi đâu mình làm tào lao vậy. Nhưng giờ đây có rau sạch ăn mãi mà không phải tốn nhiều công nên mẹ mình cũng khoái lắm”, Đạt chia sẻ về tiện ích của loại hình trồng rau độc đáo này.
Bình luận (0)