Cách viết lipogram kỳ lạ, không có mẫu tự ‘e’ trong tiểu thuyết

03/10/2021 16:00 GMT+7

Lipogram là một phương pháp viết xuất hiện từ thời cổ đại, từ điển Larousse định nghĩa về lipogram như sau: “Tác giả không sử dụng một hoặc vài mẫu tự quen thuộc trong bảng chữ cái của ngôn ngữ nước họ”.

Cách viết kỳ lạ lipogram thể hiện rõ rệt nhất trong La Disparition (Biến mất, 1969). Đây là quyển tiểu thuyết 300 trang của nhà văn Pháp Georges Perec, được viết hoàn toàn không có mẫu tự "e". Tác giả G. Perec mất cả cha lẫn mẹ trong vụ thảm sát Holocaust do Đức Quốc xã gây ra. Thời trẻ ông phải sống bằng danh tính giả cho nên việc “mất tích” mẫu tự "e" quen thuộc chính là biểu tượng cho cuộc sống và sự mất mát của ông. Perec không hề dùng những từ như père (cha), mère (mẹ), parents (cha mẹ), famille (gia đình)... trong tác phẩm của ông.

Nhà văn Mỹ Ernest Vincent Wright (1872 - 1939)

Ảnh: Wikipedia

Những năm sau đó Gilbert Adair (Scotland) dịch quyển này sang tiếng Anh với nhan đề A Void rồi nhanh chóng đoạt Giải Scott Moncrieff năm 1995 – một giải văn chương hàng năm dành cho tác phẩm chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Anh.

La Disparition được dịch trên 12 thứ tiếng, trong đó đáng kể nhất là bản tiếng Đức Anton Voyls Fortgang (1986) của Eugen Helmlé, tiếng Ý La scomparsa (1995) của Piero Falchetta, tiếng Tây Ban Nha El secuestro (1997) của Hermès Salceda và tiếng Nhật Emmetsu"(煙滅, 2010) của Shuichirou Shiotsuka… Nhìn chung, những dịch giả đều tuân thủ cách thức mà nhà văn Pháp sử dụng, đó là viết theo phong cách lipogram.

Nguồn gốc và phong cách lipogram

Lipogram là thuật ngữ có nguồn gốc từ chữ λειπογράμματος (leipográmmatos) trong tiếng Hy Lạp cổ đại, nghĩa là “bỏ đi một chữ cái”. Đây là một trò chơi chữ. Trong tiếng Anh hoặc vài ngôn ngữ thuộc ngữ chi German Tây (West Germanic languages) thì việc viết một văn bản mà tránh các chữ cái không phổ biến như Z, J, Q hoặc X xem ra tương đối dễ, còn tránh các chữ cái phổ biến như E, T hoặc A thì khó hơn nhiều vì tác giả phải bỏ qua nhiều chữ cái thường được sử dụng trong lời nói hàng ngày.

Tuy nhiên, Georges Perec không phải là nhà văn đầu tiên viết kiểu lipogram. Ông đã lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Gadsby (1939) của nhà văn Mỹ Ernest Vincent Wright, một tác phẩm nổi tiếng, tổng cộng 50.000 từ mà cũng không chứa đựng mẫu tự "e".

Tác phẩm Gadsby (1939), tổng cộng 50.000 từ, không chứa đựng mẫu tự “e”

Ảnh: amazon.com

Tiểu thuyết La Disparition (Biến mất, 1969) của nhà văn Pháp Georges Perec.

Ảnh: edition-originale.com

Ban đầu, Wright hợp tác với Wetzel Publishing Co. để in bản thảo của mình, nhưng sau khi in Gadsby thì gần như toàn bộ bản in đã bị cháy rụi. Cũng may là còn sót lại một ít bản sao của quyển này và Gadsby đột nhiên trở thành hàng quý hiếm vì sự kỳ hoặc, không có mẫu tự "e" của nó. Các đại lý bán sách đẩy giá những bản sao này lên từ 4.000 đến 7.500 USD.

Đến năm 1939, Wetzel Publishing Co. tung ra thị trường quyển Gadsby chính thức một lần nữa, lập tức gây chấn động trong giới văn chương. Báo chí đánh giá cao tác phẩm này, song Wright không kịp tận hưởng niềm vui vì ông đã qua đời cũng vào năm đó.

Trên thực tế, bản in năm 1939 của nhà xuất bản này không hoàn hảo vì có 4 nguyên âm "e" xuất hiện trong sách: chữ “the” trên trang 51, 103, 124 và chữ “officers” ở trang 213.

Có lẽ Lasus of Hermione (Λάσος ὁ Ἑρμιονεύς), một nhà thơ Hy lạp sống trong giai đoạn nửa sau thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, là tác giả cổ xưa nhất của phong cách viết lipogram. Lasus không thích viết sigma (σίγμα), tức chữ cái thứ 18 trong bảng chữ cái Hy Lạp, bao gồm cách viết chữ hoa là Σ, chữ thường là σ, còn chữ thường ở vị trí cuối từ là ς. Ông đã loại bỏ sigma khỏi bài thơ Ode to the Centaurs của ông, cũng như trong bài Hymn to Demeter (tuy nhiên, câu đầu tiên của bài này vẫn còn). Theo sử gia La Mã Quintus Curtius Rufus, điều này đã làm cho thơ kiểu lipogram của Lasus trở thành “tuyệt phẩm có hệ thống cổ xưa nhất của văn học phương Tây” (theo Oulipo: A Primer of Potential Literature. p. 100 University of Nebraska Press).

Nhà văn Pháp Georges Perec (1936 - 1982)

Ảnh: thedailybeast.com

Tóm lại, cách viết lipogram có từ thời Hy Lạp cổ đại, về sau một số nhà thơ thời kỳ thi ca của Nestor of Laranda (Hy Lạp) và Tryphiodorus (La Mã) cũng đã theo phong cách lipogram. Những nhà văn Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tiếp nối cách viết này, dần dần lipogram lan truyền sang Pháp và Anh. Đặc biệt là khi tiểu thuyết Biến mất của nhà văn Pháp Georges Perec được dịch sang những ngôn ngữ khác thì các dịch giả cũng đã sử dụng kiểu lipogram trong bản dịch của mình. Ví dụ, bản tiếng Tây Ban Nha El secuestro (1998) không chứa mẫu tự “a”; bản tiếng Nhật Emmetsu (2010) không có chữ "i" hay bản tiếng Nga Istchezanie (Valéry Kislov, 2005) thì mẫu tự "o" hoàn toàn biến mất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.