Trước đó, ngày 24.8, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (thuộc Sở Y tế Hà Nội) đã cùng lúc thực hiện 2 ca ghép thận từ người hiến chết não, với sự hỗ trợ, phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế), Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
Sau hơn hai tuần phẫu thuật, 2 bệnh nhân ghép thận đã phục hồi sức khỏe, được nhận giấy ra viện chiều nay.
Tại lễ tiễn 2 bệnh nhân, chúc mừng và đánh giá cao thành công của ca ghép tạng, sự hợp tác chuyên môn của các bác sĩ, tiến sĩ - bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: "Cái bắt tay đã giúp chúng ta cảm nhận được sự hồi sinh ở bệnh nhân được ghép thận".
Ông Đức khẳng định, đó cũng là thành quả của các bác sĩ với ca ghép xuyên Việt, bởi ngay khi nhận được nghĩa cử hiến tạng từ gia đình người chết não, cùng với 2 bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, gan hiến được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), 2 giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) và trái tim hiến được chuyển kịp thời đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ghép cho người bệnh tại đây.
Ông Đức cho biết, Xanh Pôn là bệnh viện đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội, là bệnh viện thứ 4 tại thủ đô và là bệnh viện thứ 7 của cả nước thực hiện lấy tạng và ghép tạng từ người hiến chết não.
"Với 6 người được hồi sinh là 2 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và 4 bệnh nhân được ghép tim, thận và giác mạc, xin gửi lời tri ân đến người hiến tạng và gia đình. Cho đi là còn mãi. Trái tim, ánh sáng của người hiến vẫn hiện hữu", ông Đức bày tỏ.
Ghép tạng đem sự sống khi không còn cơ hội nào khác
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, với ghép gan, có thể lấy một phần lá gan từ người hiến sống; hay ghép thận có thể lấy 1 thận từ người hiến sống. Nhưng với người có chỉ định ghép giác mạc hay ghép tim, ghép phổi thì chỉ có thể được hồi sinh từ người hiến chết não. Do đó, người chết não hiến tạng đem lại sự sống cho những người không còn cơ hội nào khác.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, chia sẻ trong 6 ca ghép tạng và giác mạc từ người hiến chết não hôm 24.8 vừa qua, 2 bệnh nhân ghép thận và 2 bệnh nhân được ghép giác mạc được ra viện. Bệnh nhân được ghép tim và bệnh nhân được ghép gan đang có sức khỏe ổn định.
2 bệnh nhân được ghép thận là các ca ghép thận thứ 54 và 55, và là 2 ca ghép đầu thận đầu tiên được thực hiện từ người hiến chết não tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
"Chúng tôi đã ghép thận từ 10 năm trước nhưng đã 3 năm tạm dừng vì không có thận hiến. Bởi vậy, sau ca ghép này, các bác sĩ rất mong mỏi có thêm những người bệnh được hồi sinh từ nghĩa cử hiến tạng cao đẹp", ông Long bày tỏ.
Bộ Y tế đang xây dựng thông tư về hiến, ghép tạng và sang năm trình dự thảo luật Hiến ghép mô tạng. Khi thông tư được ban hành sẽ có đầy đủ hơn về cơ chế tài chính, cơ chế phối hợp liên ngành cũng như chế độ đãi ngộ người hiến tạng và gia đình người hiến tạng. Ở Việt Nam, chi phí cho ca ghép tạng quá khả năng chi trả của nhiều người bệnh. Ví dụ như ghép phổi, chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Do đó, đó an sinh y tế là vấn đề đi liền với chuyên môn.
Bình luận (0)