Cái bắt tay ít người biết giữa Grab và taxi truyền thống

06/12/2018 14:23 GMT+7

"Đại chiến" giữa Grab và Vinasun được coi là cuộc chiến không khoan nhượng giữa taxi công nghệ và truyền thống. Nhưng thực tế, ngay từ khi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, Grab đã hợp tác với nhiều hãng taxi truyền thống, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả đôi bên.

Doanh thu tăng 30% nhờ Grab
Khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, GrabTaxi là mô hình cung ứng phần mềm cho các hãng taxi nhằm mở rộng đối tượng người dùng. Các doanh nghiệp taxi vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực phát triển phần mềm đã chọn phương pháp liên kết với Grab để tăng cơ hội kết nối với khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BlueTaxi KonTum cho biết khi nhận được lời mời hợp tác của Grab, ông đồng ý ngay vì nhận thức được công nghệ là nhu cầu, xu thế của người tiêu dùng, taxi truyền thống nếu không thay đổi, đuổi kịp cái mới thì sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Bên cạnh đó, Grab cũng là đơn vị có danh tiếng, uy tín, vị trí trên thị trường nên hoàn toàn có thể tin tưởng được.
Theo ông Vũ, việc kết hợp với Grab triển khai GrabTaxi giúp BlueTaxi có thêm được một số lượng đáng kể, đặc biệt là đối tượng khách khó tính, khách yêu thích công nghệ. Doang thu của công ty từ đó cũng tăng lên, ít nhất từ 30 - 40% so với việc hoạt động theo mô hình taxi truyền thống đơn thuần.
"Xây dựng một ứng dụng riêng rất tốn kém, với những hãng taxi truyền thống có quy mô nhỏ lẻ như BlueTaxi không thể đủ tiềm lực để làm. Chưa kể có làm được cũng đến bao giờ người tiêu dùng mới biết tới thương hiệu của mình. Trong khi Grab đã quá nổi tiếng, nhiều người biết đến và sử dụng rồi, tại sao không tận dụng luôn lợi thế của họ để mang về thêm lợi nhuận cho mình? Đây là hợp tác win-win - đôi bên cùng có lợi" - ông Vũ hào hứng chia sẻ.
Không chỉ các hãng taxi nhỏ lẻ địa phương, 1 tài xế hãng taxi lớn nhất nhì TP.HCM cũng thừa nhận khi lắp đặt thêm ứng dụng GrabTaxi, tỷ lệ khách đón tăng lên đáng kể. Tài xế đồng thời chủ động được địa điểm đón, hạn chế việc chạy lòng vòng đón khách như trước.
Thay đổi bức tranh vận tải
Khác với GrabCar, GrabTaxi là taxi truyền thống, có mào và đồng hồ cước. Lái xe và giá cước thuộc quản lý của hãng taxi truyền thống. Đây là một dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động theo Nghị định 52 của Bộ Công thương.
GrabTaxi là một dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab Ngọc Dương
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xoay quanh tính hợp pháp của việc mở rộng GrabTaxi trên địa bàn cả nước, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. "Nếu ứng dụng trong taxi để kết nối thuận lợi với hành khách (như mô hình của GrabTaxi - PV), và đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh như Bộ yêu cầu thì việc mở rộng địa bàn hoạt động không vấn đề gì" - ông nói.
TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM nhận định sự xuất hiện của Grab đã thay đổi hoàn toàn bức tranh thị trường vận tải tại Việt Nam. Cụ thể khi chưa có sự tham gia của công nghệ, taxi truyền thống một mình một chợ, độc quyền, chất lượng phục vụ không cao, dù là các hãng lớn nhưng Vinasun hay Mai Linh cũng không đáp ứng được hết nhu cầu đi lại quá cao của xã hội. Điều này dẫn đến cầu cao, cung thấp, giá cả cao đối với người tiêu dùng. Chưa kể việc đặt xe thông qua tổng đài khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức.
"Từ khi có taxi công nghệ, khách hàng có thêm sự lựa chọn mới, văn minh, hiệu quả, nhanh gọn, tiện lợi. Có thêm đơn vị tốt, giá cả cũng cạnh tranh hơn, mặt bằng giá dịch vụ vận tải giảm xuống, người sử dụng được lợi về cả thời gian, tiền bạc, công sức, tinh thần. Bản thân các hãng taxi truyền thống cũng phải vận động thay đổi, ứng dụng công nghệ, cải thiện dịch vụ để cạnh tranh. Xét một cách tổng thể, Grab đã mang đến những tác động rất tốt cho cả kinh tế và xã hội" - ông Phước nói.
Đồng tình, PGS.TS Võ Trí Hảo, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh nhờ có cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất như Vinasun, Mai Linh đã bắt tay đầu tư phát triển phần mềm tương tự, cải thiện chất lượng dịch vụ. Hưởng ứng công nghệ mới, nhưng tránh đầu tư chi phí phát triển phần mềm, một số công ty taxi quy mô nhỏ hơn như Vạn Xuân,Thành Lợi, Bắc Á chọn liên kết với các “chủ chợ” như Grab, sử dụng song song hai kênh kết nối: tổng đài điện thoại truyền thống và phần mềm GrabTaxi để kết nối với khách hàng. Điều này giúp cho bộ mặt của ngành vận tải tại Việt Nam thay đổi rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.