Cái bắt tay Mỹ - Ấn giữa thế cuộc khu vực

23/06/2023 06:19 GMT+7

Thỏa thuận quân sự dự kiến đạt được giữa Mỹ và Ấn Độ trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ hai nước mà còn đối với thế cuộc khu vực.

Tối qua (22.6), Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc tiếp đón trọng thị dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào sáng 22.6 (theo giờ địa phương). Trước đó, tối 21.6 (theo giờ địa phương), Tổng thống Biden cũng đã có một buổi tiệc tối cùng Thủ tướng Modi tại Washington D.C.

Ký kết nhiều thỏa thuận

Cái bắt tay Mỹ - Ấn giữa thế cuộc khu vực  - Ảnh 1.

Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Modi tại Washington D.C vào tối 21.6 (theo giờ địa phương)

Reuters

Theo Reuters, trong chuyến thăm lần này, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng. Cụ thể, các thỏa thuận sâu rộng sẽ được công bố về chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng, công nghệ, hợp tác không gian, hợp tác và mua bán quốc phòng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước. Một số thỏa thuận nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tiếp Thủ tướng Modi, Tổng thống Biden ca ngợi kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Ấn

Đặc biệt, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết thỏa thuận đột phá cho phép Tập đoàn General Electric (Mỹ) sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để cung cấp cho máy bay quân sự của New Delhi. Ngoài ra, các tàu của hải quân Mỹ trong khu vực sẽ có thể dừng lại ở các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để sửa chữa.

Sự hội tụ lợi ích

Trả lời Thanh Niên ngày 22.6, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: "Quan hệ Mỹ - Ấn đã phát triển sâu sắc hơn kể từ nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống George Bush. Sự hội tụ của hai bên không chỉ vì những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn mang đến lợi ích hợp tác về thương mại, công nghệ và giao lưu nhân dân".

"Thông qua "Bộ tứ an ninh" (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) và chuyến thăm lần này của ông Modi đến Mỹ, cả hai bên đều muốn tăng cường hợp tác và trao đổi công nghệ. Washington xem New Delhi là đối tác có tiềm năng lớn trong việc giúp hình thành sự cạnh tranh công nghệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) và mở rộng cơ sở công nghệ của Mỹ", GS Nagy đánh giá và phân tích thêm: "Có cùng quan điểm về tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ, hai nước muốn tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Điều này không có nghĩa là một liên minh quân sự mà là tăng cường khả năng của New Delhi để ngăn chặn các thách thức mới ở sân sau của Ấn Độ, hay khu vực Ấn Độ Dương nói chung".

Bước ngoặt quan trọng

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra việc hai nước đạt thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Modi tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng.

TS Nagao chỉ ra: "Đối với Ấn Độ, Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong suốt nhiều năm qua. Để đối phó thách thức này, Ấn Độ đã liên minh với Liên Xô từ những năm 1970. Từ đó đến nay, Ấn Độ tăng cường nguồn vũ khí từ Liên Xô rồi Nga. Trong khi đó, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh thì Nga đã bắt đầu xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Nga cũng đang xuất khẩu vũ khí sang Pakistan - một đối thủ khác của Ấn Độ. Ví dụ, động cơ của máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển là sản phẩm của Nga".

"Trước tình hình như vậy, Ấn Độ dần đa dạng hóa nguồn vũ khí, khi gần đây tăng cường nhập khẩu khí tài từ Mỹ, Anh, Pháp và Israel. Tuy nhiên đến nay, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ để duy trì trang thiết bị hiện tại", TS Nagao phân tích.

Trong khi đó, theo chuyên gia này, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, thì chính Moscow cũng cần thêm vũ khí. Đồng thời, do bị phương Tây trừng phạt nên Nga cũng gặp khó khăn trong việc mua linh kiện, phụ tùng (đặc biệt là linh kiện bán dẫn) để chế tạo vũ khí. Vì thế, nguồn cung cấp khí tài từ Nga sang Ấn Độ cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là lý do tiếp theo để Ấn Độ cần đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nguồn cung cấp khí tài.

Ấn Độ muốn tăng cường các loại vũ khí sản xuất nội địa như máy bay chiến đấu Tejas, xe tăng Arjun… Trong đó, động cơ của máy bay chiến đấu Tejas được sản xuất bởi General Electric (Mỹ), nên Ấn Độ cần khả năng làm chủ hoàn toàn công nghệ để tự chế tạo dòng chiến đấu cơ này.

TS Nagao đánh giá: "Công nghệ động cơ máy bay là rất bí mật đối với các quốc gia. Tuy nhiên, lần này, Washington đã chấp nhận yêu cầu chia sẻ công nghệ của New Delhi nếu Ấn Độ và Mỹ cùng sản xuất động cơ máy bay. Bởi nếu Ấn Độ sử dụng vũ khí của Mỹ thay vì vũ khí của Nga thì điều đó có lợi cho Washington. Do đó, hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn lần này là bước tiến quan trọng đối với quan hệ hai nước, đặc biệt là đối với chiến lược quốc phòng của New Delhi. Khi giảm sự lệ thuộc vào Nga, Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác với các thành viên còn lại trong nhóm "Bộ tứ an ninh" khi Nga cùng Trung Quốc phản đối nhóm này".

Chính vì thế, việc Mỹ - Ấn tăng cường hợp tác còn tạo ra tác động lớn đối với khu vựcIndo-Pacific. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.