Cái bắt tay Nhật - NATO giữa “cuộc chơi quyền lực” ở Indo-Pacific

02/02/2023 06:41 GMT+7

Việc Nhật Bản và NATO tăng cường hợp tác được đánh giá sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đang chịu nhiều thách thức.


Reuters đưa tin Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm vào ngày 31.1 tại Tokyo. Cuộc gặp nằm trong chương trình nghị sự khi ông Stoltenberg có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước khi đến Tokyo, Tổng thư ký NATO đã đến Seoul.

Trong cuộc hội đàm ngày 31.1, Tổng thư ký Stoltenberg và Thủ tướng Kishida cam kết tăng cường quan hệ, chỉ trích hành động quân sự của Nga ở Ukraine cũng như hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Nga với Trung Quốc đã tạo ra môi trường an ninh căng thẳng nhất kể từ Thế chiến 2.

Chuyến công du của ông Stoltenberg diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản gần đây đẩy mạnh chia sẻ gánh nặng với Mỹ, liên tục tăng cường vị thế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) giữa lúc Trung Quốc trỗi dậy trong khu vực.

Cái bắt tay Nhật - NATO giữa “cuộc chơi quyền lực”  ở Indo-Pacific - Ảnh 1.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg bắt tay với Thủ tướng Fumio Kishida ngày 31.1

Reuters

Cùng điều chỉnh chính sách đối ngoại

Trả lời Thanh Niên ngày 1.2, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: "Giữa bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành vi gây sức ép kinh tế, quân sự hóa và thách thức luật pháp quốc tế, các thành viên NATO và Nhật Bản đang điều chỉnh chính sách đối ngoại để bảo vệ và tăng cường tác động vào trật tự dựa trên luật lệ được hình thành từ sau Thế chiến 2".

"Cuộc gặp giữa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phản ánh sự liên kết vừa nêu, nhưng không nên coi đây là một NATO châu Á hay nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Thay vào đó, chuyến thăm và liên kết phản ánh mối quan ngại sâu sắc về Nga và Trung Quốc, nhằm hướng đến cách tiếp cận chính sách đối ngoại để quyết định cách các quốc gia giải quyết những tranh chấp quốc tế", ông Nagy đánh giá và phân tích thêm: "Cả NATO và Nhật Bản đều muốn bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ để các quốc gia nhỏ hơn có thể cảm thấy an tâm trước các láng giềng là những cường quốc hùng mạnh".

Đôi bên cùng có lợi

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: "Chuyến thăm của Tổng thư ký NATO đến Nhật Bản lần này là một trong những bước quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai bên".

"Thật vậy, các nước châu Âu có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Indo-Pacific. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước châu Âu đã cử tàu hải quân và máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động ở Indo-Pacific. Ví dụ, vào năm 2021, Anh đã cử nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay Queen Elizabeth phối hợp cùng với các chiến hạm của Hà Lan và Mỹ đến khu vực. Pháp cũng cử tàu ngầm hạt nhân và các hạm đội nổi khác đến Biển Đông. Đức cũng đã cử một tàu khu trục tới Úc, Nhật Bản… và có đi qua Biển Đông. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, các động thái hợp tác giữa châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc càng tăng tốc hơn, ngay cả khi các nước châu Âu chia sẻ nhiều nguồn lực quân sự để hỗ trợ Ukraine. Tài liệu Định hình Chiến lược 2022 của NATO cũng đã cho rằng các tham vọng và chính sách của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO", TS Nagao nhận định.

Bên cạnh đó, theo TS Nagao, việc Trung Quốc và Nga gần đây tăng cường hợp tác càng thúc đẩy NATO và Nhật phải tăng cường ứng phó. Năm ngoái, tàu hải quân, máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc và Nga đã tiến hành tuần tra chung tại vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, tài liệu Định hình Chiến lược 2022 của NATO cũng đã nhấn mạnh: "Mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga, cùng những nỗ lực củng cố lẫn nhau của họ nhằm thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng ta".

Mỹ - Ấn khởi động sáng kiến nhằm đối phó Trung Quốc ?

Nhà Trắng ngày 31.1 thông báo Mỹ và Ấn Độ nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên với việc khởi động Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi (ICET). Cuộc họp đầu tiên về ICET đã diễn ra ở Washington D.C, do Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval chủ trì. ICET đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra trong cuộc gặp ở Nhật Bản vào tháng 5.2022 nhằm mở rộng quan hệ đối tác công nghệ chiến lược và hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai quốc gia. ICET đánh dấu động thái mới nhất của Tổng thống Biden nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác để đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo tờ Financial Times. Mỹ và Ấn Độ cũng đang khởi động những sáng kiến mới và hoan nghênh sự hợp tác mới giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, theo Nhà Trắng.

"Nhìn từ cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, vai trò của NATO rất quan trọng. Theo các dữ liệu được công bố, ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn cao hơn 3 lần so với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại đang tăng nhanh chi tiêu quân sự. Cụ thể hơn, từ năm 2010 - 2022, Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự hơn 100%, còn Mỹ lại tăng không đáng kể và có một số thời điểm giảm bớt. Trung Quốc đang dần bắt kịp Mỹ, đặc biệt là khi Washington đang chi ra nguồn lực khổng lồ để hỗ trợ Kyiv đối phó Moscow. Vì thế, các đồng minh, đối tác của Washington phải chia sẻ gánh nặng an ninh với Mỹ", TS Nagao chỉ ra.

Ông phân tích thêm: "Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu linh kiện vũ khí trọng yếu từ châu Âu. Tokyo muốn châu Âu chấm dứt những mối quan hệ như vậy với Bắc Kinh. Gần đây, các nước châu Âu đã giảm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Chẳng hạn, Đức ngừng xuất khẩu động cơ tàu ngầm cho Trung Quốc. Gần đây, các nước châu Âu bắt đầu cử các phái đoàn ngoại giao đến Đài Loan để nâng cao vị thế của Đài Bắc trên trường quốc tế. NATO còn lên kế hoạch tổ chức đối thoại với Ấn Độ vào tháng 3 tới".

"Sự can dự của NATO vào Indo-Pacific sẽ lớn hơn trong thời gian tới", ông Nagao khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.