Cải cách thủ tục, cải cách con người

29/05/2009 00:46 GMT+7

Hôm qua 28.5, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị thông qua Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các luật: Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường, Đất đai và Luật Nhà ở.

Mục đích là giải quyết vướng mắc, những vấn đề bức thiết nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, tạo thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi cho đối tượng thi hành luật. Với những sửa đổi này, dự luật đã cắt giảm đáng kể các thủ tục trong lĩnh vực đấu thầu dự án, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư trong các khâu thẩm định, phê duyệt dự án. Nhưng với kinh nghiệm vốn có, Phó trưởng đoàn đại biểu QH Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông nói rằng, cải cách thủ tục là quan trọng nhưng quan trọng hơn chính là cải cách con người. Cần thay đổi quan điểm, tư duy của những người thực thi các thủ tục ấy, đó là các công chức, những người được giao giải quyết công việc hành chính.

Câu chuyện một chủ đầu tư có dự án là công trình xã hội hóa "bần cùng bất đắc dĩ" đã phải cầu cứu đến Chủ tịch UBND TP sau khi có tới 8 tháng "bị hành" ở một sở nọ của Hà Nội mà không thể thông qua được quy hoạch tổng mặt bằng - điều kiện đầu tiên để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án.

Đây không phải là chuyện của riêng một chủ đầu tư nào mà hầu hết các chủ đầu tư đều "ngán" các bước chuẩn bị đầu tư như thế này. Trong quyết định đầu tư, thông thường chủ đầu tư sẽ được yêu cầu liên hệ với sở chuyên môn để được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Thế nhưng theo phản ánh của họ, gặp được cán bộ hướng dẫn rất là khó. Hồ sơ cứ nộp ở bộ phận "một cửa" (mà giờ sở, ngành nào cũng đã lập ra) rồi 20 ngày sau quay lại sẽ nhận được kết quả là phải bổ sung một văn bản nào đó, hoặc thêm một dấu chấm (.), một dấu phẩy (,) vào hồ sơ.

Trở lại câu chuyện của chủ đầu tư kể trên, sau khi Chủ tịch UBND TP xem xét và thấy rằng hồ sơ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của pháp luật, ông lập tức lệnh cho cấp dưới phải giải quyết, lúc đó nó mới được thông qua. Nếu như không có lệnh của Chủ tịch UBND TP thì không biết chủ đầu tư này sẽ bị hành đến bao giờ? Nhưng vấn đề ở chỗ, việc này không nên và không thể trở thành tiền lệ xấu, người đứng đầu một cơ quan hành chính không thể hằng ngày giải quyết những sự vụ hành chính kiểu như vậy dù ông sẵn sàng giúp đỡ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp đến đâu. Điều quan trọng là ông phải tạo ra một bộ máy mà ở đó mọi công chức đều tuân thủ và tôn trọng luật pháp. Đây đương nhiên không phải là chuyện của một địa phương.

Kết quả rà soát thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nói chung mà Bộ Xây dựng tiến hành tại các tỉnh thành phố hồi tháng 6.2008 khiến không ít người giật mình: một dự án đầu tư xây dựng phải trải qua 33 thủ tục với chi phí thời gian chuẩn bị trung bình là 3 năm/dự án. Khảo sát này cũng phát hiện ra rằng, trong số những thủ tục ấy có những thủ tục do pháp luật quy định nhưng cũng có rất nhiều thủ tục do địa phương tự đặt ra, tự các công chức được giao giải quyết việc đặt ra.

Ví dụ như thủ tục xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; ví dụ thủ tục xin thỏa thuận của địa phương có đất về địa điểm của dự án; rồi các thủ tục về chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; chấp thuận nhiệm vụ quy quy hoạch chi tiết 1/500; chấp thuận ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất lập quy hoạch chi tiết và lập dự án…

Nếu không có những chế tài cụ thể đối với những hành vi sách nhiễu, cố tình tạo thủ tục để "hành nhà đầu tư" thì những quy định luật pháp dù đơn giản cũng có thể trở thành cửa ải khó vượt qua.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.