Cải cách tiền lương từ giữa năm 2024

20/10/2023 06:53 GMT+7

Chiều 19.10, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV. Theo đó, lộ trình cải cách tiền lương sẽ được Quốc hội quyết định tại kỳ họp lần này.

Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cho biết Hội nghị lần 8 của T.Ư Đảng khóa XIII ban hành nghị quyết, trong đó thống nhất trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương.

Theo kết luận Hội nghị 8 T.Ư khóa XIII thì lộ trình thực hiện từ ngày 1.7.2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung của Nghị quyết 27 của T.Ư. Trong đó, thứ nhất là xây dựng 5 bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm: bảng lương chức danh lãnh đạo từ T.Ư cho đến cơ sở; bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ tư là chế độ nâng bậc lương. Thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ sáu là quản lý tiền lương và thu nhập.

Theo ông Quý, vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. "Chính phủ báo cáo Hội nghị T.Ư 8 vừa qua, nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026. Mặc dù vậy, sau năm 2024, tức từ năm 2025 sẽ thực hiện tăng có lộ trình 5 - 7% tiền lương, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực I của tư nhân", ông Quý nêu.

Việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng khóa XII. Theo đó, việc thực hiện chế độ cải cách tiền lương từ năm 2021 (tới nay đã trễ 3 năm - PV) với chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách. Về nguồn chuẩn bị cho cải cách tiền lương, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tới nay, cả nước đã tích lũy được hơn 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khai mạc ngày 23.10, bế mạc ngày 28.11, được chia thành 2 đợt: đợt 1 kéo dài 15 ngày, từ 23.10 - 10.11; đợt 2 trong 7 ngày rưỡi, từ 20 - 28.11. Tổng thời gian làm việc dự kiến của Quốc hội tại kỳ họp là 22 ngày rưỡi.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin tại kỳ họp 6, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào ngày 24.10, một ngày sau khai mạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.