Cải cách tư pháp phải tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ

18/01/2022 07:07 GMT+7

Chủ tịch nước cho rằng cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp VN XHCN, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các nước phù hợp với điều kiện VN…

Ngày 17.1, tại TP.Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; ông Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo

TTXVN

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thống nhất một số quan điểm cải cách tư pháp trong thời gian tới. Cụ thể, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN VN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải có quyết tâm chính trị cao đã vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ nhân dân. Cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Chủ tịch nước cho rằng cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ, bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật, ngăn ngừa những tác động không đúng dẫn vào hoạt động tư pháp. Cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp VN XHCN, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các nước phù hợp với điều kiện VN và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.