Cái chết của mặt trời

12/05/2018 21:09 GMT+7

Hãy tận hưởng mặt trời khi còn có thể, vì trong 5 tỉ năm nữa, ngôi sao của chúng ta sẽ lụi tàn, nổ tung ra từng mảnh nhỏ và biến thành một quầng sáng khổng lồ toàn khí và bụi.

Từ lâu giới thiên văn học luôn biết rằng mặt trời sẽ chết khi đốt hết nhiên liệu, nhưng bản chất chính xác của quá trình tử vong này vẫn chưa được hình dung một cách rõ ràng.
Giờ đây, một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã phối hợp tìm cách xây dựng mô phỏng về cái chết của mặt trời một cách thật chi tiết và đăng tải báo cáo trên chuyên san Nature Astronomy. Nhờ vào mô hình trên máy tính, họ phát hiện thay vì ngôi sao của chúng ta không âm thầm tàn lụi theo thời gian như trước đó vẫn nghĩ, mà trong lúc giãy chết nó sẽ chuyển mình thành một tinh vân hành tinh tỏa ánh sáng chói lọi, có thể quan sát được từ cách đó hàng triệu năm ánh sáng.

“Các tinh vân hành tinh dạng này là những vật thể đẹp đẽ nhất trên bầu trời đêm, và dù mặt trời sẽ bị xếp vào dạng “yếu ớt”, ánh sáng tỏa ra từ nó vẫn lan đến các thiên hà láng giềng”, theo tờ Guardian dẫn lời ông Albert Zijlstra, Giáo sư vật lý học thiên thể của Đại học Manchester (Anh).
“Nếu bạn là người của thiên hà Tiên Nữ cách chúng ta 2 triệu năm ánh sáng, bạn vẫn có thể thấy được tinh vân của mặt trời”, theo Giáo sư Zijlstra. Xét theo nhiều khía cạnh, mặt trời của chúng ta được xếp vào dạng trung bình, về mặt kích thước lẫn tuổi đời.
Theo giới thiên văn học, ngôi sao trung tâm của địa cầu đã 5 tỉ tuổi, trải qua được nửa đời. Và cái chết sẽ ập đến vào thời điểm lõi mặt trời cháy hết hydrogen, khiến nó sụp đổ từ bên trong. Khi điều này xảy ra, các phản ứng hạt nhân sẽ bắt đầu được khởi động bên ngoài lõi, làm mặt trời phồng lên thành sao khổng lồ đỏ và trong quá trình này nó sẽ nuốt chửng cả sao Thủy lẫn sao Kim.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa chấm dứt ở đó. Giáo sư Zijlstra và các đồng sự ở Ba Lan, Argentina đã tìm được câu trả lời cho điều gì sẽ tiếp tục diễn ra sau đó. Sau khi biến thành sao khổng lồ đỏ, mặt trời sẽ mất đi khoảng phân nửa khối lượng do các lớp ngoài cùng bị thổi bay với tốc độ 20 km/giây. Lõi sẽ nóng lên nhanh chóng, phát tán tia cực tím và tia X, bắt kịp nhịp của những lớp bên ngoài và biến chúng thành quầng sáng plasma. Tinh vân hành tinh sẽ chiếu sáng khoảng 10.000 năm trước khi tắt lịm. Trong khi trái đất có thể thoát được vận mệnh bị mặt trời nuốt như hai hành tinh gần nhất là sao Thủy và sao Kim, sự sống lúc đó trên hành tinh xanh ắt hẳn đã lụi tàn trước đó từ lâu.
Trong quá trình mặt trời già đi, nó sẽ càng chói sáng rực rỡ, và trong 2 tỉ năm tới, sức nóng từ sao trung tâm tỏa ra đủ để đun sôi các hành tinh. “Khi ấy (trái đất) không còn là một nơi dễ thở (cho sự sống) nữa”, Giáo sư Zijlstra kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.