Như đã trình bày ở một bài trước, từ năm 1887, các lực lượng kháng chiến Cần vương gặp nhiều khó khăn, còn vua Hàm Nghi bị quân Pháp truy lùng gắt gao. Chiều ngày 1.11.1888, hai kẻ phản bội Trương Quang Ngọc, Nguyễn Định Trình dẫn theo khoảng 20 người dân địa phương trang bị giáo mác, cung tên, hướng về nơi ẩn lánh của vua Hàm Nghi.
Cựu hoàng Hàm Nghi trong ngày lễ đính hôn với cô Laloe, con một viên chức Pháp ở Alger (1904) |
T.L Lê nguyễn |
Tất cả được lệnh của Pháp là phải bảo toàn mạng sống nhà vua và có thể sát hại bất cứ người nào khác nếu chống cự. 10 giờ đêm, bọn chúng tìm đến một ngôi nhà dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh, giữa nhà là một chiếc chõng tre phủ chiếu hoa sẽ có vua Hàm Nghi nằm ngủ trên đó. Nghe có tiếng động lạ, Thống chế Nguyễn Thùy và con trai xách gươm nhảy ra thì bị Trương Quang Ngọc dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Thiệp cũng chịu chung số phận, dưới ngọn giáo của Cao Viết Lượng, một người Mường ở làng Thanh Cuộc.
Bữa nọ, nhà vua nhác thấy bóng dáng người thầy học cũ của mình trong đám đông, ông nghiêng mình kính cẩn chào, vì vậy mà tự để lộ “chân tướng”, không còn phủ nhận mình từng là vua Hàm Nghi nữa. Đoàn người phải lưu lại Đồng Cả hơn một tuần lễ để chờ chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris. Cuối cùng một thông báo của Bộ Thuộc địa chỉ định nơi cư trú của nhà vua là Alger, nơi có “một khí hậu êm dịu, để Ngài sớm bình phục sau những mệt nhọc của cuộc sống lang bạt chốn núi rừng” (điện tín của Bộ này).
Vua Hàm Nghi lúc mới lên ngôi |
T.L Lê nguyễn |
Tranh vẽ của người Pháp: cảnh lúc Pháp bắt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thiệp cầm gươm lên, chưa kịp làm gì thì bị sát hại bằng súng (trái), còn nhà vua trong lúc bất ngờ, với tay chụp thanh gươm bên cạnh nhưng không kịp (phải) |
T.L LÊ NGUYỄN |
Ngày 13.11.1888, Pháp đưa vua Hàm Nghi rời Đồng Cả, xuống thuyền đến Quảng Khê rồi sau đó theo đường quan lộ đến trạm Thừa Hóa. Tổng trú sứ Rheinart đã đến Thừa Nông thăm nhà vua, hỏi ông có cần nói điều gì với người anh là vua Đồng Khánh hay một thân nhân nào khác hay không. Nhà vua đã trả lời là ông không có một người quen nào ở Huế cả.
Nhân cuộc gặp gỡ này, một sĩ quan Pháp chụp một số bức ảnh nhà vua và sau đó phổ biến rộng rãi cho mọi người biết là vua Hàm Nghi, linh hồn của cuộc kháng chiến Cần vương, nay đã là một tù nhân. Trước thái độ khăng khăng từ chối trở về Huế của nhà vua, thực dân Pháp đã đưa ông từ Thừa Hóa đến lạch Tư Hiền và từ đây, chiếc tàu Comète đã chờ sẵn để chuyển ông vào Sài Gòn. Không lâu sau, chuyến tàu Biên Hòa đưa ông đi Alger, khởi đầu cuộc sống lưu đày.
Trong đêm vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Tôn Thất Thiệp và hai thủ hạ của nhà vua bị sát hại tại chỗ. Họ đã hy sinh mạng sống để thể hiện lòng trung nghĩa của mình. Người con lớn còn lại của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm lúc bấy giờ đang làm Khâm sai, lãnh nhiệm vụ đi chiêu mộ nghĩa sĩ ở khu vực phía bắc Quảng Bình (nên người đương thời gọi ông là Khâm Đạm).
Khi hay tin là nhà vua đã lọt vào tay giặc rồi, ông viết ngay một lá thư, cho người mang đến đồn Thuận Bài nhờ chuyển cho nhà vua. Thư có đoạn viết: "Không được gần gũi Hoàng thượng để hộ giá, khi có kẻ phản thần làm việc ám muội, thần mang tội rất nhiều…Các quan văn võ sẽ mang hận ấy suốt đời, vậy xin Hoàng thượng tha thứ cho và thề sẽ hết lòng trung cho đến thác” (Phan Trần Chúc - Vua Hàm Nghi, NXB Thuận Hóa - 1995, trang 174). Sau này cựu hoàng Hàm Nghi mất vì bệnh vào đầu năm 1944, thọ 73 tuổi (1871 - 1944), được an táng tại làng Thonac (Pháp).
Trở lại câu chuyện Tôn Thất Đạm, ông gửi cho Thiếu tá Dabat ở đồn Thuận Bài một lá thư bày tỏ sự hối tiếc đã không ở kề cận nhà vua để bảo vệ, cho dù có chết như người em trai của mình. Thư có đoạn cuối như sau: "Nay chúng tôi bị thua. Cái then của chiến bại đã đến bước cùng. Vậy xin Ngài cho các tướng sĩ được về quê hương an trí làm ăn và không phải ra thờ triều đình mới”.
Trong thư hồi âm của Dabat có câu: "Thay mặt các binh sĩ Pháp, tôi xin nói để Ngài biết rằng các tướng Pháp rất kính phục Ngài. Xin mời Ngài ra đồn Thuận Bài. Tôi xin đoan rằng người Pháp sẽ đãi Ngài một cách trân trọng, xứng đáng với tài đức và địa vị của Ngài trong hoạn giới” (Phan Trần Chúc - Sđd - trang 175).
Phụ chánh Tôn Thất Thuyết (1835 - 1913), người cha của hai nghĩa sĩ anh hùng Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp |
T.L LÊ NGUYỄN |
Sau những bức thư trao đổi ấy, Tôn Thất Đạm tập họp tướng sĩ lại, yêu cầu họ ra hàng và khuyên mọi người về quê làm ăn, không nhận chức tước gì của triều đình mới. Về phần mình, ông nói: ”Còn ta, nếu người Pháp có hỏi, các ngươi cứ bảo họ vào rừng này, tự khắc tìm thấy ta”. Rồi ông một mình đi vào rừng, cỡi chiếc khăn đội đầu, treo cổ trên cành cây mà chết. Khi đi tìm ông và phát hiện ra ông đã chết, tướng sĩ xúm lại, ôm lấy xác chủ tướng mà khóc.
Con người trung nghĩa ấy sống hết lòng vì vua Hàm Nghi, vì nước và đã chọn cái chết anh hùng, không để rơi vào tay giặc. Mấy ngày sau, không thấy Tôn Thất Đạm ra hàng, quân Pháp vào rừng, đã thấy ngôi mộ ông nằm đó, bên cạnh còn có thanh gươm mà ông vẫn dùng lúc sinh thời.
Bình luận (0)