Cái giá của sự buông lỏng

15/11/2022 04:18 GMT+7

Đọc thông tin UBND TP. Phú Quốc ( Kiên Giang ) đã cho cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn 2 trong số 79 căn biệt thự xây dựng trái phép và sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để cưỡng chế 77 căn biệt thự còn lại, câu hỏi đầu tiên bật ra sẽ là: Các cơ quan chức năng đã ở đâu trong suốt thời gian 79 căn biệt thự to đùng này được xây dựng?

Nhưng trong đầu sẽ lập tức hiện ra hình ảnh “làng biệt thự” xây dựng trái phép dưới chân núi Voi (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng); hay hàng trăm căn nhà, biệt thự nghỉ dưỡng cũng xây dựng không phép trên đất rừng xã Minh Phú (H.Sóc Sơn, Hà Nội).

Về lý, chúng ta hoàn toàn ủng hộ quan điểm pháp luật: “không cho tồn tại hay hợp thức hóa công trình trái phép dưới bất cứ hình thức nào”, để đảm bảo rằng pháp luật là tối thượng nghiêm minh. Nhưng thực sự thấy xót xa vì chính là tiền bạc, vật chất xã hội sẽ bị nghiền nát dưới lưỡi máy xúc, máy ủi và các quyết định cưỡng chế phá dỡ. Mỗi căn biệt thự thông thường sẽ có có diện tích xây dựng trên dưới 300 m2 và với thời giá hiện nay, chi phí xây dựng khoảng trên dưới 2 tỉ đồng/căn; với 79 căn biệt thự mà Phú Quốc dự tính phá dỡ để hoàn trả nguyên trạng theo quy định, chi phí mất đi khoảng trên dưới 150 tỉ đồng. Một sự lãng phí xã hội không hề nhẹ, tiền nào chẳng là của cải xã hội. Với tình hình quản lý trật tự xây dựng như hiện nay thì mỗi ngày đất nước ta sẽ còn bao nhiêu sự lãng phí như thế nữa? Không ai biết, không ai chịu trách nhiệm?

“Cứ lên xã trình bày tôi mới mua đất ở đây, họ sẽ đưa cho mình 1 biên bản phạt nộp vào ngân sách nhà nước, còn lại “làm luật” riêng với chủ tịch xã và đội quản lý xây dựng là mình xây thoải mái...”. Đây là trình bày của một người được cho là chủ một khu nghỉ dưỡng xây trên đất rừng ở xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội, với PV Thanh Niên năm 2019, khi chúng tôi làm phóng sự điều tra về tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này. Và “công thức” này chắc chắn không phải là cá biệt.

Ai đã từng dựng giàn giáo xây nhà sẽ hiểu đoạn trường, xây có phép, trên đất hợp pháp còn phải ba bề bốn bên trình báo chính quyền, hiệp thương hàng xóm; đừng nói là xây dựng cả một căn biệt thự trái phép, trên đất do nhà nước quản lý.

Đến đây, chắc chúng ta đã hiểu, phá dỡ nhà xây dựng trái phép có phải là biện pháp răn đe triệt để hay không? Phá dỡ để việc quản lý trật tự xây dựng không “nhờn luật” là đúng, nhưng đúng hơn nữa phải là ngăn chặn không để việc vi phạm xảy ra. Còn khi “hàng đàn voi” đã “chui lọt lỗ kim” rồi thì thiệt hại vật chất xã hội là không tránh khỏi.

Nên phá dỡ chỉ là giải quyết hậu quả và thiệt hại đẩy cho xã hội phải gánh chịu, trong khi căn nguyên của những thiệt hại vật chất và tinh thần (niềm tin xã hội) là từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng lại không được xử lý triệt để. Cần phải truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị quản lý đã để xảy ra tình trạng này, kể cả xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

Xử lý ra sao với 79 căn biệt thự không phép ở Phú Quốc?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.