Cái giá của sự tự phát

04/02/2023 06:28 GMT+7

Cam Vinh là thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007. Đó là 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du và Sông Con, được trồng tại 5 huyện ở Nghệ An, trong đó "thủ phủ" cam Vinh ở H.Quỳ Hợp (Nghệ An).

3 năm về trước, vào mùa thu hoạch cam, vùng đất này luôn nhộn nhịp thương lái đến thu mua. Người trồng cam cũng rất phấn khởi vì cam Vinh có giá rất cao. Thế nhưng, năm nay, các cánh đồng cam đã phải thay thế bằng cây mía, ngô. Nguyên nhân khiến cam Vinh lụi tàn ở ngay "thủ phủ" là do cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ khiến cam bị rụng quả, quả giảm chất lượng. Từ giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí giáp Tết Nguyên đán, giá thường vọt lên 70.000 đồng/kg. 3 năm qua, giá cam ở đây xuống đáy 3.000 - 5.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Người dân trồng cam ở đây nói với người viết rằng từ năm 2014, cam Vinh được giá nên được ví là "cái máy in tiền" khi mỗi héc ta cam thu về 600 - 700 triệu đồng/năm đã khiến người dân ồ ạt phá cao su, mía để trồng cam.

Ông Lê Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (xã Minh Hợp, H.Quỳ Hợp), chia sẻ chu kỳ cây cam là 15 năm. Khi người dân ồ ạt trồng cam, công ty (cho người dân thuê đất) đã khuyến cáo người dân không trồng quá nhiều. Tuy nhiên, mối lợi từ cam thu lại đã không ngăn được họ. Do trồng ồ ạt, nguồn cây giống không đảm bảo, việc chăm sóc cũng không đúng quy trình đã khiến cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do nấm gây ra rồi lan rộng, không thể ngăn chặn.

Năm 2015, Nghệ An quy hoạch đến năm 2020 trồng 5.600 ha cây cam và quýt, đến năm 2030 ổn định diện tích 10.160 ha. Tuy nhiên, năm 2018 diện tích cây có múi đã tăng vọt hơn 10.000 ha, trong đó riêng cây cam hơn 6.000 ha. Cái giá phải trả cho sự tự phát này là quá đắt và theo các chuyên gia về cây trồng, phải mất khá nhiều năm sau, cam Vinh mới có thể trồng trở lại trên vùng đất này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.