'Cái gốc của tết là sum vầy, không bao giờ mất được'

11/02/2018 07:23 GMT+7

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho dù thay đổi thế nào về hình thức, tập quán, giá trị gốc của tết là sum vầy, là gia đình thì không bao giờ mất.

Xin ông cho biết yếu tố làm nên không gian văn hóa tết Việt, tinh thần tết Việt là gì?

GS Ngô Đức Thịnh - ẢNH: NGỮ THIÊN
Người ta dùng chữ không gian văn hóa với nghĩa nói về một khối cư dân, một vùng lãnh thổ cùng tiến hành một nghi lễ cổ truyền. Khối cư dân, vùng lãnh thổ cũng tiến hành các nghi lễ tết cổ truyền thì đó là không gian văn hóa tết Việt. Có rất nhiều yếu tố để tạo nên tết Việt. Ví dụ người Việt, cộng đồng dân tộc... là nền để diễn ra các sinh hoạt văn hóa tết. Trong hoạt động tết Việt, người Việt cấu kết với nhau. Điều đó tạo thành không gian xã hội, một xã hội tiến hành nghi lễ tết.

Có nhiều người ở xa Tổ quốc. Có người ở vùng mà chỉ có họ là người Việt. Những người như thế có tổ chức được không gian tết Việt?

Được chứ, nếu họ có ý thức về điều đó. Họ vẫn thực hành các tập quán thì vẫn tạo thành không gian văn hóa tết Việt. Không gian đó có thể ở trong nước và ngoài nước. Chỉ cần có việc thực hành phong tục tập quán thì đã có thể hình thành không gian tết Việt. Nó gắn với cộng đồng trong nước bằng mối dây văn hóa, tình cảm.

Hiện tại, ông có thấy có vấn nạn gì khi chúng ta tổ chức không gian tết?

Cách tổ chức tết hiện còn nhậu nhẹt quá nhiều. Có chỗ còn đánh nhau, cờ bạc nữa. Có cả tai nạn giao thông trong ngày tết, ngộ độc rượu. Cũng không nên kéo dài tinh thần nghỉ ngơi sau tết, khi đã đi làm lại. Cái đó phải xem lại, cần thay đổi.

Nói về câu chuyện thay đổi. Mâm cỗ tết đang thay đổi với nhiều rượu ngoại, trái cây ngoại hơn. Rồi có những người muốn giản lược phong tục bằng cách không ăn tết ở nhà, thay vào đó họ đi du lịch, đi làm từ thiện. Điều đó liệu có phá hỏng truyền thống?

Không sao, thay đổi là điều tất nhiên. Thay đổi đó sẽ làm phong phú hơn cho tết. Bản thân việc đi du lịch cũng là mở rộng không gian tết Việt. Tết không chỉ ở nhà mà người ta còn mang tết đến các vùng miền khác nhau, để tạo ra không gian tết rộng hơn.

Nếu cứ được làm đều đặn rồi lan ra, từ thiện trước tết sẽ trở thành một tập quán mới. Như thế sẽ hình thành một tết Việt không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Tất cả cùng vui và không ai bị để lại phía sau.

Nhìn lại những bức ảnh tết xưa, đồ dùng trong nhà nay đã thay đổi nhiều, không gian cũng khác. Như thế thì còn giữ được không gian truyền thống, văn hóa tết truyền thống không, thưa ông?

Yếu tố gốc gác của tết là sum họp, là gặp gỡ gia đình, cùng nhau ăn uống món dân tộc, chia sẻ, chúc mừng nhau. Yếu tố đó vẫn còn thì những cái khác thay đổi không ảnh hưởng gì đến giá trị của tết. Không thể đòi hỏi tết phải nguyên gốc như ngày xưa vì nếu vậy nó sẽ chết do thiếu thích nghi. Tết không thể mất vì nhu cầu quần tụ vẫn còn, cái đó làm sao mà mất được. Hình thức có thể thay đổi nhưng tết là sum vầy, là vui vẻ, là gia đình thì không bao giờ mất được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.