Cái lạnh xứ Huế và ly trà ga

19/10/2020 08:00 GMT+7

Huế được nhiều người thương mến bởi cái không khí linh thiêng và tinh thần đặc biệt nơi đây. Khí hậu cố đô thực sự khắc nghiệt, nắng hay mưa, nóng hay lạnh đều sâu đậm...

Có người thương, có người nhớ, có người yêu, lại có người lại cảm thấy chút phiền toái…
Huế có nhiều “đặc sản”, “đặc sản” theo ý nghĩa rộng lớn: là nét đặc trưng mang tính thông dụng, phổ biến tại địa phương, không riêng gì ẩm thực.
Cũng là một cảm giác nhiệt độ nhưng khí lạnh Đà Lạt trong trẻo và tươi mát, cái lạnh của Sapa se sắt, tê buốt. Cái lạnh Huế mình thì não nùng, ẩm ướt mà dai dẳng lắm.
Cảm cái lạnh của Huế phải gắn với không gian và thời gian thích hợp. Về đêm, khoảng sau 9 giờ, mời bạn đến thưởng trà tại ga Huế. Ga Huế nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, được người Pháp xây dựng vào năm 1908, nay trông “cổ kính” vì mang đậm dấu ấn thời gian. Đây là nơi chứng kiến nhiều sự đổi thay của đất nước, nhiều cuộc ly hoan và đoàn tụ hai miền Nam Bắc.

Ga Huế ngày nay có lẽ là chốn dừng chân, chốn hoài niệm hơn là một địa điểm then chốt về kinh tế

Ảnh: Thiên Anh

Đêm đến, mấy dì, mấy o sớm bày sẵn những chiếc bàn, chiếc ghế nhựa nhỏ nhắn và đơn sơ. Trên mỗi bàn là một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ nhỏ (tên dân dã là đèn trứng lộn). Đèn hình trụ tròn mà ngày xưa các bà, các mẹ thường dùng. Ngày nay đèn dầu không còn phổ biến như trước, ánh sáng tân tiến của đèn điện luồn vào từng ngõ ngách cuộc sống. Bạn chỉ có thể tìm thấy nó ở những quán trứng lộn ven đường hay một vài quán cà phê mang phong cách cổ điển… Mấy dì, mấy o đã “kỳ công” bày ra cổ vật để khách đợi tàu tận hưởng trọn vẹn tinh thần của Huế xưa, VN xưa.
Ánh sáng tập trung ở một điểm nhỏ, một nguồn sáng be bé đủ để tôi và các bạn tập trung vào cuộc chuyện trò. Không gian ban sơ, êm dịu, tương phản với thế giới sống động ngoài kia. Ở đây không có âm nhạc, chỉ có tiếng còi tàu, tiếng cúp hạt hướng dương, tiếng mấy chú hút thuốc lào rít lên điêu luyện và tiếng mọi người rôm rả chuyện trò.
Đến đây, chúng bạn thường gọi một ấm trà nhỏ, một đĩa kẹo đậu phộng (vị ngọt của kẹo dung hòa vị đắng của trà) và một đĩa hạt hướng dương. Trà ở đây cũng thường thôi vì phục vụ cho đủ mọi tầng lớp xã hội. Hơn nữa, người ta đến đây không phải để thưởng trà mà để tận hưởng cái không khí se se đặc trưng Huế hay sự tĩnh mịnh, yên bình của bóng đêm. Êm đềm đến độ bạn có thể lắng nghe rõ ràng nhịp thở đều đặn của thành phố.
Ga Huế ngày nay có lẽ là chốn dừng chân, chốn hoài niệm hơn là một địa điểm then chốt về kinh tế. Máy bay ngày càng phổ biến, nhanh gọn và tiện lợi nên người ta cũng ít chuộng đi tàu. Nhưng đối với những người hoài cổ như tôi, những cảm xúc và dấu ấn cũ thì luôn in đậm trong tâm trí. Nơi đây khiến lòng tôi như lắng xuống, buông bỏ những muộn phiền trong cuộc sống, những câu hỏi chưa có lời đáp tạm gác lại, để tâm hồn trong sáng và thảnh thơi hơn.
Sau hai năm làm việc ở Sài Gòn, tôi trở lại quê hương, trở lại trà ga. O bán trà vẫn nhớ tôi, o hỏi: “Lâu ni không thấy con nơi, con đi mô rứa mà lâu rứa”. Tôi trả lời nửa thật nửa đùa: “Con đi Sài Gòn, mà nhớ Huế quá bơ phải về dì nạ, chịu không nổi”. O vui vẻ đáp: “Ừ, Huế mình dễ thương ri vẹ, thôi con gái ở đây cho khỏe con nạ”.
Bạn đi xa rồi, khi trở về sẽ nhận thấy những góc Huế bình dị mà dễ mến biết chừng nào. Vẻ đẹp này phải được thưởng thức ở một góc nhìn khác, càng xa càng tỏa sáng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.