Gia đình Thanh Nga
Nghệ sĩ Năm Nghĩa là người có công phát triển bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thành bản vọng cổ nhịp 8, từ đó làm tiền đề cho vọng cổ phát triển thành nhịp 16, nhịp 32 như bây giờ. Rồi ông tham gia gánh hát Phước Cương lừng lẫy do ông Nguyễn Ngọc Cương (cha của NSND Kim Cương) thành lập, sau đó tự mình lập gánh. Đến khi tái hôn với bà Nguyễn Thị Thơ, ông mới đổi bảng hiệu là Thanh Minh. Sau này, bà bầu Thơ thay chồng lèo lái gánh hát khi ông bệnh nặng và qua đời.
Thế hệ kế tiếp là NSƯT Thanh Nga và NSƯT Bảo Quốc. Thanh Nga là con riêng của bà bầu Thơ, nhưng ông Năm Nghĩa thương như con ruột, hết lòng truyền nghề hát. Thanh Nga vừa đoạt giải Thanh Tâm một năm thì ông Năm Nghĩa từ trần. Bảo Quốc là con của bà bầu Thơ và ông Năm Nghĩa, cũng đi hát với chị mình, đóng chung với Thanh Nga trong nhiều vở. Ông cũng đoạt giải Thanh Tâm, nhưng sau này chuyển sang đóng hài rất có duyên. Hiện ông gần 70 tuổi và vẫn đi hát cải lương, đóng kịch hài thường xuyên ở VN và Mỹ.
Con gái của nghệ sĩ Bảo Quốc là Hồng Loan, dù ở Mỹ nhưng vẫn giữ nghề cải lương. Cùng thế hệ với Hồng Loan là NSƯT Hữu Châu, con của kép Hữu Thìn và cô đào Thanh Lệ, cũng gọi bà bầu Thơ là bà nội. Hữu Châu dù rẽ sang kịch nói, nhưng nếu cần hát cải lương thì anh hát cái một, đặc biệt là vũ đạo thì nhuần nhuyễn vì hồi nhỏ đã sống trong cái nôi cải lương của gia đình.
Gia Bảo là cháu nội NSƯT Bảo Quốc, theo kịch nói nhưng thường tổ chức những đêm diễn cải lương hoành tráng tại các nhà hát lớn, diễn lại các vở kinh điển, quy tụ nhiều nghệ sĩ xưa như Phượng Liên, Ngọc Giàu, Hùng Minh, Lệ Thủy, Chí Tiên, Thanh Hằng…
Gia đình Minh Tơ
Đầu tiên là ông bầu Vĩnh lập gánh hát bội, rồi truyền lại cho con là ông bầu Thắng. Bầu Thắng có 5 người con đi hát là Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú đi học cải lương rồi lập đoàn hồ quảng Minh Tơ nổi tiếng. Bà Huỳnh Mai kết hôn với ông Thành Tôn cũng là một kép hát lừng danh lúc bấy giờ.
Những người con của Minh Tơ nổi tiếng không kém. Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Thanh Sơn. Bên nhánh của Huỳnh Mai và Thành Tôn thì sinh ra một loạt nghệ sĩ Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc. Có thể kể thêm những người rể cũng là nghệ sĩ cải lương thành danh như Hữu Cảnh (chồng của Xuân Yến), Trường Sơn (chồng Thanh Loan) và Thanh Bạch (chồng Bạch Lê).
Thế hệ kế tiếp gồm Trinh Trinh (con của Xuân Yến), Quế Trân (con Thanh Tòng), Tú Sương, Ngọc Nga, Thanh Thảo (con Thanh Loan). Lại thêm những người rể cũng lừng lẫy kép chánh như Kim Tử Long (chồng Trinh Trinh), Điền Trung (chồng Thanh Thảo).
Hồng Quyên con của Tú Sương mới tuổi trăng tròn đã hé lộ là cô đào đẹp, ca hay, diễn giỏi. Kim Thư con của Ngọc Nga là cô đào nhí vào vai độc lẳng cực kỳ duyên dáng. Có lẽ đây là đại gia đình có lực lượng hùng mạnh nhất kiên trì giữ nghề.
Gia đình Huỳnh Long
Huỳnh Long cũng là một đại bang cải lương hồ quảng, sau gọi là cải lương tuồng cổ, suốt các thập niên từ 1970 - 1990. Ông bầu Ngọc Huỳnh và vợ là Ngọc Hương đều là những nghệ sĩ giỏi. Ông bà có những người con cũng nổi tiếng như Bạch Mai, Thanh Bạch, Hữu Tánh, Bạch Nga, Bạch Lan. Đức Lợi cưới Bạch Mai, trở thành đôi đào kép ăn ý đẹp đôi lúc bấy giờ. Còn Thanh Bạch thì cưới Bạch Lê của đoàn Minh Tơ.
Thế hệ thứ ba chỉ còn con của Bạch Mai và Đức Lợi là Chinh Nhân và Bình Tinh. Chinh Nhân là kép đẹp, ca hay diễn giỏi, nhưng không may bị bệnh mất sớm. Chỉ còn lại Bình Tinh gánh vác gia đình và nghề tổ với rất nhiều gian nan. Cuối cùng cô cũng toại nguyện, trở thành quán quân cuộc thi Sao nối ngôi trong sự khâm phục của mọi người. Bình Tinh có ngọn lửa nghề rất cảm động. Bao nhiêu nước mắt đã chảy khi con đường nghệ thuật lẫn hạnh phúc gia đình quá gập ghềnh, nhưng cô vẫn cắn răng chịu đựng và gìn giữ tình yêu cải lương.
Gia đình Thanh Ngân
Bà ngoại là nghệ sĩ Tư Hélene và mẹ là nghệ sĩ Kim Hoa đã tạo ra thế hệ thứ ba với 4 cô đào đẹp Thanh Hằng, Thanh Ngọc, Vân Quỳnh, Thanh Ngân. Thanh Hằng và Thanh Ngân đều rất nổi tiếng, tiếc rằng con cái chưa thấy ai theo nghề. Tuy nhiên, khi các bé lớn lên thì biết đâu sẽ có thêm những hậu duệ?
Nhìn chung, ở các gia đình cải lương hồ quảng thì sự truyền nghề, nối nghiệp có vẻ mạnh hơn những gia đình cải lương truyền thống. Nhiều gia đình cải lương đã rẽ sang kịch nói hoặc theo nghề khác, như gia đình Kim Cương.
Bình luận (0)