Cải lương qua 1 thế kỷ: Những vở ấn tượng sau 1975

05/04/2018 07:00 GMT+7

Sau năm 1975, cải lương có đôi chút thay đổi, nhưng rồi lại hoạt động sôi nổi. Nhiều vở hay, vai diễn để đời, nhiều nghệ sĩ tiếp tục bật sáng.

Phối hợp các thành phần nghệ sĩ
Giai đoạn sau giải phóng, mô hình cải lương tư nhân không còn nữa, mà các đoàn phải hoạt động theo mô hình tập thể. Bà bầu không còn một mình quản lý đoàn như trước, mà ban lãnh đạo có thêm một vài cán bộ từ Sở Văn hóa - Thông tin đưa xuống. Cách quản lý, cách trả lương, trả cát sê, ký hợp đồng tất nhiên cũng khác. Bên cạnh đó là đoàn nhà nước ra đời, gồm Nhà hát Trần Hữu Trang và đoàn Văn công TP.HCM. Đến năm 1984, có thêm đoàn 284 được thành lập sau chuyến đi biểu diễn ở châu Âu thành công rực rỡ.
NSND Lệ Thủy kể: “Hồi mới giải phóng nghệ sĩ chúng tôi lo lắm. Lo vì sợ mình bị ra rìa, không cho hát. Các đoàn tạm ngưng, nghệ sĩ đóng cửa ngồi nhà mà rầu, không biết mai mốt mình làm gì ăn, vì chỉ biết mỗi nghề hát thôi. Nghe nghe ngóng ngóng rồi tự nhiên một tháng rưỡi sau thì được mời ra, được đi họp, nói là các đoàn cứ hoạt động trở lại bình thường. Mừng quá trời đất!”.
Các đoàn lúc ấy thường gồm ba thành phần nghệ sĩ. Một từ Sài Gòn như Diệp Lang, Thanh Sang, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Mỹ Châu… Hai là nghệ sĩ miền Nam, miền Trung đi tập kết, như Lê Thiện, Tấn Đạt, Công Thành, Thanh Xuân…, hoặc hoạt động trong chiến khu như Kim Anh, Thanh Liễu, Như Ngọc, Đoan Phượng… Ba là nghệ sĩ “rặt người bắc” nhưng tham gia cải lương như Thanh Vy, Hà Quang Văn, Mạnh Dung, Thanh Dậu… Lực lượng mạnh nhất vẫn tập trung ở Nhà hát Ca kịch cải lương Trần Hữu Trang (sau đổi lại thành Nhà hát Trần Hữu Trang).
Dựng vở mang đề tài chống ngoại xâm
Thực sự nhiều vở diễn hay đã ra đời trong vòng 15 năm đầu sau 1975, nổi lên một loạt vở lịch sử chống xâm lăng hào hùng và cảm động, trong đó Tiếng trống Mê LinhThái hậu Dương Vân Nga là ngòi nổ đầu tiên. 1.000 năm chống giặc phương Bắc đã để lại biết bao tấm gương anh hùng cho cải lương khai thác. Sau cú hích của đoàn Thanh Nga, hầu như đoàn nào cũng dựng vở lịch sử, mà dựng rất hay, như Nhụy Kiều tướng quân, Gánh cỏ sông Hàn, Tâm sự Ngọc Hân, Nhiếp chính Ỷ Lan, Nữ tướng cờ đào, Rạng ngọc Côn Sơn, Tô Hiến Thành xử án...
Không chỉ Thanh Nga nổi tiếng lừng lẫy một lần nữa với những vai anh thư, mà các vở lịch sử còn phát hiện ra nhiều ngôi sao tự làm mới mình qua những nhân vật anh hùng. Ngọc Hương và Hoài Thanh bật sáng trong Gánh cỏ sông Hàn. Diệu Hiền thành nữ tướng Triệu Thị Trinh của vở Nhụy Kiều tướng quân và Hoài Thanh lại là anh kép đẹp mới toanh sáng vụt lên trong vai tướng quân Lê Minh dũng lược. Tâm sự Ngọc Hân cũng phát hiện ra một Nguyễn Huệ - Tuấn Thanh trẻ đẹp, ca hay, oai phong lẫm liệt. Từ vai này Tuấn Thanh cứ lọt vào mắt xanh các đạo diễn suốt mấy chục năm trời mỗi khi dựng vở lịch sử. Tô Hiến Thành xử án là câu chuyện đáng khâm phục khi người ta phải công tâm xử cả người thân để giữ gìn kỷ cương phép nước và bảo vệ giang sơn, mà nghệ sĩ Trường Sơn và Thanh Loan của làng Hồ Quảng đã diễn thật xuất sắc.
Loạt vở thứ hai thuộc chủ đề chống Pháp, Mỹ, cũng thành công vang dội. Bình Tây đại nguyên soái, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Người ven đô, Ánh sáng và bóng tối, Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Nàng Hai Bến Nghé, Trăng lên đỉnh núi... Bên cạnh đó là một số vở tố cáo xã hội cũ như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu được tái dựng. Các nghệ sĩ cũ của Sài Gòn diễn rất hay, từ Thành Được cho tới Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Thanh Hải, Hồng Nga... đều nhập vai rất xuất sắc.
Một mảng nữa là vở tâm lý, ca ngợi nhân nghĩa ở đời, châm biếm thói hư tật xấu, cũng rất ăn khách. Bên cầu dệt lụa là vở kinh điển nhất, để lại một hình tượng Quỳnh Nga (Thanh Nga đóng), Trần Minh (Thanh Sang), Nhuận Điền (Thanh Tú) đẹp ngời ngời nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Rồi Lục Vân Tiên đã làm mới cho Bạch Tuyết - Thanh Sang, trở thành những mẫu mực sau này các em trẻ dựa vào đó mà biểu diễn... Ngao Sò Ốc Hến đã phát hiện Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Giang Châu có khả năng hài đến bất ngờ. Nàng Xê Đa càng bất ngờ hơn với cô đào đất bắc Thanh Vy quá sang trọng và chuẩn mực trong ca diễn.
Vé chợ đen
Có một điều rất lạ, giai đoạn này dù là thời bao cấp khó khăn, thậm chí phải ăn độn, nhưng khán giả TP.HCM vẫn ùn ùn đi xem cải lương. NSND Diệp Lang kể: “Vé vừa bán một, hai tiếng đồng hồ đã hết sạch. Chợ đen thì giá gấp 3 - 4 lần. Hồi đó nghệ sĩ có tiêu chuẩn 1 cặp vé mời, nhưng anh em tuồn ra ngoài bán chợ đen vì lương thấp lắm, nghèo lắm. Nhưng nghèo thì nghèo, lên sân khấu là phấn khởi, vì có tuồng hát cả trăm suất vẫn còn đông, thậm chí cả ngàn suất như Nàng Xê Đa, Ngao Sò Ốc Hến...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.