Cải lương tập thể một thời vang bóng: Số phận của đoàn Sài Gòn 1, 2, 3

17/07/2023 07:30 GMT+7

Ba đoàn có chung bảng hiệu Sài Gòn này là những ký ức rất đẹp của thời cải lương tập thể. Và số phận của chúng ra sao sau khi đã lên tới đỉnh cao nghệ thuật?

Từ Sài Gòn 3, nghệ sĩ Thanh Điền được điều động trở lại Sài Gòn 1, và ông đã tạo ra "sự kiện" Ngao Sò Ốc Hến. Gọi là "sự kiện" bởi Thanh Điền lại "nổi máu" phiêu lưu lần nữa. Ông cùng ê kíp mới là Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Hoàng Ấn, Trường Xuân… đã diễn một phiên bản mới đầy tính hài hước và hấp dẫn. Nguyên do là phiên bản cũ diễn mà khán giả không cười, vé mua lưa thưa, cả nhóm rầu rĩ ngồi suốt đêm với nhau, nhất định phải sửa. Khi sửa xong, khán giả mê quá xá, đêm nào cũng vỗ tay bể rạp, vé bán không kịp. Nhưng cứ tối diễn thì sáng hôm sau Thanh Điền bị mời họp kiểm điểm vì đã sửa mà không xin phép lãnh đạo. Họp thì họp, Thanh Điền vẫn họp, mà tối càng diễn sung hơn. Rốt cuộc thì mọi người phải chấp nhận rằng bản mới này quá hay, rồi đề bạt Thanh Điền làm trưởng đoàn luôn.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Số phận của đoàn Sài Gòn 1, 2, 3 - Ảnh 1.

Vở Tấm lòng của biển với NSND Út Bạch Lan (phải), NS Phượng Liên và NS Linh Châu

H.K

Ngao Sò Ốc Hến có kỷ niệm vui với ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Thanh Điền kể: "Chú Sáu thích hài lắm, nên khi nghe đồn Ngao Sò Ốc Hến "này nọ" thì chú đi coi. Coi xong, chú nói: "Ôi trời, có gì đâu, người ta phê phán chuyện xưa mà, ai biểu mấy người làm giống họ chi rồi nhột!". Nói thiệt là tôi cũng có cập nhật mấy chuyện thời sự vô châm biếm luôn, nên người ta mới đồn như vậy. May mà tư tưởng chú Sáu rất thoáng nên chúng tôi làm nghệ thuật dễ dàng hơn".

Sau khi làm trưởng đoàn, Thanh Điền sản xuất hàng loạt vở như Em ơi đừng khóc nữa, Yêu và ghen, Lỡ yêu rồi, Xin đừng nói yêu em, Hoa học trò… đa số kịch bản do nghệ sĩ Thanh Kim Huệ viết, tập trung chủ đề gia đình, hôn nhân.

Cũng trong giai đoạn này Thanh Điền lọt vào mắt xanh của những người làm kịch, làm phim. Thật ra ngay từ khi anh diễn cho Sài Gòn 3, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng đã đến xem (lúc này đoàn kịch Thẩm Thúy Hằng trở thành đoàn kịch tập thể Bông Hồng, và bà là phó đoàn). Bà nói: "Thanh Điền diễn cải lương có nét rất kịch, em về với chị nha. Khi đoàn chị kẹt diễn viên thì chị mượn em". Nhưng Thẩm Thúy Hằng chưa kịp "mượn" Thanh Điền thì nghệ sĩ Kim Cương đã "mượn" trước cho vở Nhân danh công lý, diễn tại Nhà hát Hòa Bình, Thanh Điền đóng vai trung úy Cường. Diễn suốt một tháng rưỡi, mỗi ngày 2 suất đều đặn. Rồi Thanh Điền qua đoàn Bông Hồng diễn Đôi mắt. Sau đó ông đóng phim Tình yêu của em, rồi đóng Đất phương Nam… Từ đó Thanh Điền mải miết đi theo phim ảnh, đây cũng là giai đoạn cải lương cực kỳ khó khăn do sự ra đời của video và giấy phép Sài Gòn 1 trả về cho Sở VH-TT. Năm 1990, Sở đưa giấy phép cho ông Nguyễn Văn Giỏi làm bầu sô hoạt động. Năm 1996, ông Giỏi ngưng hẳn, lại trả giấy phép về cho Sở.

Sài Gòn 2, Sài Gòn 3 cũng chung số phận khi bị video phủ sóng. Sau 1986 mở cửa, nghệ sĩ được các ông bà bầu video và các đoàn cải lương tư nhân mời mọc với cát sê "khủng" trở lại, nên họ lần lượt rời các đoàn tập thể. Cũng không thể trách họ, vì từ 1975 - 1986 họ đã cống hiến rất vô tư, nhiệt tình, làm nên nhiều vở diễn hay cho lịch sử cải lương.

Điểm chung của Sài Gòn 1, 2, 3 là hầu hết các vở tuồng đều mang tính cách mạng rất cao, hoặc lên án chế độ phong kiến, hoặc đấu tranh không khoan nhượng với giặc và chinh phục được khán giả Sài Gòn. Có thể nói, nội dung vở nào cũng chỉn chu, chặt chẽ, tinh tế từng câu ca lời thoại, nghệ sĩ thì diễn rất giỏi, đến nỗi cán bộ cách mạng xem còn ngạc nhiên: "Cứ như các nghệ sĩ này từng tham gia cách mạng!". Họ hóa thân giỏi, tìm hiểu tư liệu kỹ, biết thu thập vốn sống và quan trọng là hồi đó tập tuồng rất kỹ, một tuồng tập đến mấy tháng, chỗ nào lấn cấn thì mời mấy chú mấy bác cán bộ xuống tư vấn giùm. Nghệ sĩ Mỹ Châu từng nói: "Chúng tôi có biết cách mạng là gì đâu, giờ nhập vai thì phải tìm hiểu thật kỹ để không sơ suất. Làm nghề nào cũng phải có trách nhiệm với nghề. Mình không lên sân khấu thì thôi, đã lên thì phải chu đáo từng li từng tí".

Giỏi nhất ở chỗ, dù nội dung cách mạng nhưng tác phẩm vẫn giữ được chất trữ tình đặc trưng của cải lương, chính đó mới là yếu tố quan trọng nhất đi vào lòng người, chinh phục trái tim khán giả, nhất là khán giả Sài Gòn - những người không dễ dàng mua vé nếu họ không thích, không mê.

Thật sự, các vở tuồng của Sài Gòn 2 đều tạo cơ hội cho nghệ sĩ có vai diễn để đời. Không chỉ vai chính, mà ngay cả vai phụ cũng thành công rực rỡ. Điều này chứng tỏ tài năng của thế hệ nghệ sĩ lúc đó, là họ không từ chối thử thách nào, dù bước vào một lĩnh vực mới mẻ thì họ cũng cố gắng chinh phục cho được, tận tâm, vô cùng trách nhiệm với nghề. Và những vở này cũng làm nhiệm vụ "quảng bá" rất tốt cho xã hội mới. Người ta háo hức tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu cách mạng thông qua những tác phẩm sân khấu. Sau 1975, người dân đã có đời sống văn hóa thực sự sôi động chính là nhờ cải lương. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.