Trong khi một số loại hình nghệ thuật dân tộc khác bị khủng hoảng thiếu đội ngũ kế thừa, thì cải lương trong các giai đoạn khác nhau luôn có những lớp nghệ sĩ mới mẻ, tài năng xuất hiện, góp phần làm cho cải lương ngày càng phát triển.
Thuở ban đầu của cải lương là sân khấu thầy Năm Tú mà người ta không còn nhớ được tên đào kép, nhưng đến gánh Phước Cương của gia tộc NSND Kim Cương và gánh Trần Ðắc thì lịch sử nghệ thuật VN đã ghi công nghệ sĩ Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu… vào thập niên 1930 - 1950.
Ðến thập niên 1960 - 1970 - 1980 cải lương lại có những ngôi sao rực rỡ: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Sang, Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Tấn Tài, Minh Cảnh, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Diệp Lang, Thanh Tòng… Mỗi người mỗi vẻ, họ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với lối ca diễn tuyệt vời và những vai diễn đã trở thành kinh điển.
Sau năm 1975 xuất hiện thế hệ mới tài năng gồm Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Kim Tử Long, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Linh Tâm, Châu Thanh, Cẩm Tiên, Phương Hồng Thủy, Thanh Ngân, Trọng Phúc, Thanh Hằng, Hữu Quốc, Quế Trân, Kim Tiểu Long, Vũ Luân… Thế hệ này làm nên sự tươi mới, hiện đại cho cải lương, và hiện nhiều nghệ sĩ trong số họ vẫn còn hoạt động tích cực.
Dù cải lương hiện đang gặp nhiều khó khăn khi bị cạnh tranh bởi rất nhiều loại hình giải trí khác, nhưng thế hệ nghệ sĩ cải lương mới nhất vẫn rất sung sức: Lê Tứ, Trung Thảo, Hoàng Nhất, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Tâm Tâm, Thy Nhung, Thy Trang, Thanh Thảo, Ðiền Trung, Nhã Thy, Minh Trường, Hoàng Hải, Hoàng Quốc Thanh, Nguyễn Văn Khởi… Các giọng ca trẻ này theo nghề với trái tim nóng hổi, khiến người hâm mộ tin rằng sức sống của cải lương vẫn rất mãnh liệt. Bên cạnh đó, các cuộc thi như Trần Hữu Trang, Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… vẫn đang được tổ chức thường xuyên, phát hiện nhiều "ngọn măng" mới cho loại hình nghệ thuật này.
MĂNG CÒN THIẾU GÌ?
Thật sự khán giả đang trông cậy vào thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay bởi thế hệ vàng đã vào tuổi 70, 80, còn thế hệ kế tiếp cũng đã 50, 60, không còn sức đứng trên sân khấu thường xuyên nữa. Nếu có diễn được, thì họ cũng chỉ hát lại những vở cũ mà họ từng diễn, từng nghe, chứ không còn sức sáng tạo cho những vở mới. Như vậy thế hệ trẻ tất yếu phải gánh vác cải lương như thế hệ cha anh họ đã từng. Nhưng liệu họ có đảm đương nổi, hay là còn thiếu chất gì đó khiến người ta cứ hoài vọng nghệ sĩ cũ, tuồng tích xưa?
Nói cho công bằng, nghệ sĩ trẻ hiện nay vẫn rất tài năng, có nhiều khán giả ái mộ, chứ không phải hoàn toàn không chút tiếng vang gì. Tuy nhiên, bối cảnh hoạt động của cải lương giờ đã khác xưa rất nhiều, khiến cho nghệ sĩ trẻ muốn tỏa sáng, muốn "đóng đinh" nhân vật của mình vào lòng khán giả như thế hệ trước không phải dễ.
Ðạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu thở dài: "Thật ra muốn thấm nhân vật thì phải diễn nhiều suất. Còn bây giờ vở nào cũng chỉ mở màn 2 - 3 suất, làm sao các em thấm nổi ".
Tiến sĩ Lê Hồng Phước, giảng viên Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn, cũng là một thành viên đắc lực trong việc biểu diễn, truyền bá cải lương khắp trong và ngoài nước, nói: "Cải lương là ca kịch thì quan trọng nhất là giọng ca. Hồi xưa, nghệ sĩ "diễn trong ca", nên dù không cần làm nhiều động tác, chỉ đứng ca thôi, thậm chí khán giả chỉ nghe qua radio, băng cassette, mà họ vẫn rung động, chảy nước mắt. Còn bây giờ các bạn trẻ ca phần nhiều na ná nhau, ít có màu sắc riêng như thế hệ trước. Ðặc biệt hầu hết chọn cách ca cao giọng, nên dễ gây chát chúa, the thé khi đến cao trào. Và ca không phải từ trong tận cùng nội tâm nên khán giả ít xúc động, thậm chí các bạn gào thét đau đớn dữ dội mà người xem cũng không mấy rung cảm". Ðúng là nghệ sĩ trẻ hiện nay thường chọn kiểu ca rất "drama", cao giọng, lên xuống, gào thét… Không biết các bạn có bị ảnh hưởng bởi tiêu chí của một số cuộc thi cải lương vọng cổ, ban giám khảo thường đòi hỏi ca phải lên bổng xuống trầm phức tạp, chứ thí sinh nào chọn kiểu ca chân phương, ngọt ngào thường dễ bị thua cuộc.
Vấn đề thứ hai là cách diễn, thế hệ trẻ cũng chọn kiểu diễn rất lăn lộn, sôi động, kịch tính… Quả thật khán giả trẻ bây giờ cũng không thích tiết tấu chậm như xưa, nhưng nếu nghệ sĩ chỉ diễn bằng ngoại hình dữ dội mà thiếu nội tâm gửi gắm vào thì cũng không có lực hấp dẫn ngầm. Lực hấp dẫn này rất kỳ lạ, nó cuốn người ta đi êm thắm lắm, mà dư âm để lại rất lâu. Ðạo diễn Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu, nói: "Hãy nhớ NSƯT Thanh Nga với vai Trưng Trắc, trong lớp tế sống chồng, bà có di chuyển nhiều đâu, cũng không có nhiều hành động kịch tính, bà chỉ nhẹ nhàng diễn, nhẹ nhàng ca, nhưng khán giả khóc như mưa". Ðó là bài học quý giá cho thế hệ trẻ.
Bình luận (0)