Trang đến muộn!
Trong lúc ngồi đợi ở quán Ngò Ta trên đường Trương Định gần công viên Tao Đàn, Nhân đã uống ba ly nước lạnh, ăn hết năm chiếc nem chua Ninh Hòa, bảy cái bánh xu xê, nhai thêm bốn viên chewinggum và gửi hơn chục tin nhắn cho bạn bè mà cuối cùng cô vẫn chưa tới.
Minh Họa: Tuấn Anh
|
Anh bực bội nhìn ra đường qua tấm kiếng mờ mờ ảo ảo. Mây đen che hết những tia nắng yếu ớt còn sót lại sáng nay. Trận mưa giữa tháng chín ùa về, xua tan cơn nóng hầm hập của thành phố gần chục triệu con người với hàng trăm tòa nhà chọc trời, chiếm hết những mảng xanh ít ỏi còn sót lại. Nhân gọi Sài Gòn là thành phố hình hộp, nhốt hàng triệu trái tim cuồng nhiệt, tất bật với cuộc sống mưu sinh.
Nhân mê đắm những cơn mưa bất chợt nơi đây bởi có lần anh yêu cô gái có thói quen đến khách sạn tìm anh với mái tóc suôn dài sũng ướt. Họ lao vào nhau như hai con thiêu thân, tiếng thở hổn hển át cả tiếng mưa rơi hối hả, nụ hôn vồ vập luôn làm anh ngộp thở. Nhân hay thì thầm vào tai cô, mưa như chứng nhân cho tình yêu hai đứa. Để rồi họ chia tay nhau cũng vào một chiều mưa tầm tã, bởi cô không tìm được ở anh sự chở che cho tháng năm còn lại của đời mình.
Vì cơn mưa chợt đến chợt đi, bởi cô gái tóc ướt mưa thơm mùi bồ kết, vì bao đứa bạn dẫu bận rộn với đời cơm áo nhưng sẵn sàng ngồi vỉa hè cùng anh lai rai vài chai bia lạnh, nên mặc nắng nóng, ô nhiễm, kẹt xe, bụi bặm, ngập lụt, người đời tị hiềm, ghen ghét, lọc lừa (mượn tiền anh chẳng trả), Nhân vẫn yêu Sài Gòn như một phần máu thịt, dẫu đó không phải nơi anh được sinh ra.
Và Trang là một trong những kỷ niệm mơ hồ, vụn vỡ ấy.
- Tại mưa to dữ quá. Đừng giận em nhen.
Nhân liếc Trang. Tóc cắt ngắn, áo pull, quần jeans ôm như một tomboy (1) chính hiệu. Cô gầy và xanh xao hơn lần gặp bốn năm trước. Chỉ có đôi mắt buồn xoáy sâu vào tim anh bao năm vẫn chẳng đổi thay. Đã có lần anh nghĩ, mình có thể đánh đổi mọi thứ quý giá trên đời để sở hữu người mang đôi mắt ấy, rồi nhịn ăn nhịn uống ngồi ngắm mỗi ngày, nhìn mỗi buổi. Mới thấy, suy nghĩ của tuổi đôi mươi thiệt là bất chấp và mãnh liệt. Giờ già rồi, bớt mê muội hơn xưa.
- Anh đói chưa?
- Rã ruột đây nè. Đợi cô lâu quá nên tôi ăn hết mớ nem chua và bánh xu xê mà cũng chả thấm vào đâu.
- Thôi chua chát với em làm gì hoài không biết nữa. Đừng xưng hô như người xa kẻ lạ nữa mà. Heng!
Nhân đóng mặt lạnh thêm chưa tới năm giây, rồi phì cười trước khuôn mặt phúng phính vô cùng đáng yêu của cô. Thôi thôi, chẳng rảnh mà hờn giận. Không khéo một hồi anh năn nỉ lại em cũng không chừng.
Trang cười. Và Nhân thề, mười mấy năm quen biết, đi qua bao cuộc tình dài lâu hay chóng vánh, chưa người con gái nào có nụ cười hút hồn anh đến thế. Nửa miệng thôi nhưng tươi tắn, dỗi hờn nụng nịu, đã trưởng thành mà vẫn trong veo như hồi mới lớn. Nhân hất đầu về phía đóa cúc vàng cắm trên bàn. Trang nhìn hoa, rồi trề môi liếc anh, y chang hồi mười tám, ở góc sân ga buổi chiều đưa tiễn.
Năm lớp 12, Trang và vài người bạn từ Nha Trang ra thăm Nhân vào một ngày cuối năm âm lịch. Anh dắt họ đi lòng vòng thị trấn bé xíu không đèn xanh đèn đỏ, nhà cao tầng chót vót hay xe cộ dập dìu. Cả bầy ghé vô quán bún cá ven đường ăn đặc sản quê hương rồi leo lên đèo Bánh Ít ngắm thị trấn xanh ngát từ trên cao, mênh mông biển bờ xa xa, dưới ngọn Hòn Hèo rì rào sóng vỗ. Buổi chiều tiễn mọi người về phố biển, Nhân lén hái tặng cô đóa cúc dại ven đường làm kỷ niệm. Và bao năm tháng cách xa chìm nổi, hoa cúc vàng lại là “nhân chứng” cho lần tái ngộ giữa Sài Gòn một buổi trời mưa.
- Em ăn gì? Chả cuốn ở quán này ngon lắm, nước tương gần giống quê anh. Không thì bún chả cá trộn thêm sứa tươi, ngon, giòn và mát.
- Anh ăn gì em ăn nấy. Gặp nhau là vui rồi, không cần ăn cũng thấy vui.
Nhân chồm tới bẹo má cô, hồi đó hiền khô như cục bột, đánh tám búa cũng không dám nói nhiều, sao càng ngày càng “thảo mai” dữ không biết.
Trang có điện thoại. Cô xin phép ra ngoài nói chuyện. Nhân nhún vai, em cứ tự nhiên.
Phố vẫn mưa. Tí tách từng giọt rớt xuống lề đường rồi văng lên cửa kính, vỡ vụn thành tia nước nhỏ bám víu gấu váy Trang, tạo thành những mảng màu tươi tắn lạ. Anh đưa mắt nhìn quanh, để thoát khỏi sự “soi mói” vào vóc dáng cao ráo của cô bạn cũ. Quán không đông lắm. Mưa to làm thiên hạ lười ra khỏi văn phòng. Anh nhìn sang bàn kế bên khi nghe tiếng cười khúc khích. Một anh da trắng vạm vỡ đang vật lộn với đôi đũa bé xíu trong tay ra chiều khổ sở. Cô người yêu (có lẽ thế), bẹo mũi anh âu yếm.
- You have to hold them like this. See?
- Oh my God! I can't. They are so tiny (2).
Dễ thương ghê. Lâu rồi cũng chẳng có ai ngắt má mình rồi la làng, anh ăn cái gì mà người ngợm toàn xương với da. Ráng bồi bổ vào đi, ốm quá là em không thương nữa đâu nhá!
Thức ăn được dọn ra.
Nhân lấy rau sống, dưa leo, xoài bỏ vào bánh tráng, kèm thêm nem nướng với chả ram, cuốn lại, đưa cô.
- Anh lo mọi việc chu toàn hết rồi chứ?
- Ừa. Cũng tạm gọi là xong. Anh không dám ở nhà, đi ra đi vô trước bàn thờ má, gặp lại những di vật cũ làm lòng đau nhói. Thôi thì vác ba lô đi vài ngày để khuây khỏa nỗi buồn.
- Chuyến về lần này đột ngột và buồn quá anh ha? Lúc đọc tin nhắn em cứ thẫn thờ cả người. Cũng chẳng biết nói gì để an ủi.
- Mà có an ủi cũng chẳng được gì. Đời người ai cũng có vài lần trải qua nỗi đau xé cào gan ruột khi phải tiễn biệt người thân, đặc biệt là hai đấng sinh thành. Để rồi từ đó chẳng nỗi đau nào có thể quật ngã người ta nữa…
Trang thấy mắt anh đỏ hoe. Nói thêm một câu nữa là anh sẽ khóc nhè ngay trong quán mất.
- Em theo dõi Facebook và biết anh luôn tránh mặt em mỗi khi về Sài Gòn. Anh vẫn còn giận?
- Chuyện trẻ con thôi mà - Nhân nhún vai.
Cô trề môi:
- Ba mươi mấy tuổi đầu rồi cứ giận hờn như con nít ấy.
- Chứ em coi, em nằng nặc đòi anh mua vé đi xem cô Phượng Liên hát Nửa đời hương phấn cho bằng được. Anh đã đi đêm trước, tuồng thì cũng thuộc từ đầu tới đuôi, nhưng chiều em anh mua thêm hai vé nữa. Ai dè phút cuối em bảo không đi mà chẳng nói rõ nguyên nhân. Em thử tìm giữa Sài Gòn này có ai trẻ đẹp trai cỡ anh mà đi vô rạp một mình xem nghệ sĩ cải lương xuống xề vọng cổ? Khó hơn lên trời nhé. Vậy mà đêm ấy anh phải đi một mình, để khỏi uổng cặp vé chợ đen gần triệu bạc.
- Thôi em xin lỗi. Tại… Mà thôi, anh giận hoài sẽ già và xấu ỉn cho coi.
Đi ăn cùng nhau thế này là không giận nữa rồi. Đúng là con gái, người ta đã không thèm nhắc mà cứ khơi lại hoài. Dai như giẻ rách. Nhân làu bàu.
Trang hết chu môi lại phùng má rồi nhe răng ra cười. Bộ mặt tui dính lọ nghẹ hả? Cô lắc đầu nguầy nguậy, đâu có, đâu có đâu. Anh đẹp trai số một.
Trang tủm tỉm quay ra đường. Gió thổi cái vù, cuốn cây dù ai dựng trước cửa bay ra xa tít tắp. Tự nhiên cô nhớ lại cái dáng ốm nhách của anh hồi chân ướt chân ráo vô lớp học ké văn hóa để chiều đi bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý. Lần ấy, cô chào anh bằng nụ cười hồn hậu nhưng nhận lại là thái độ lạnh tanh như ly chè đá. Vậy mà hổng hiểu sao khuôn mặt dàu dàu, khắc khổ của cậu học trò trường huyện giữa lớp ban C toàn nữ tặc, làm cô gái nhà giàu, đẹp như thánh nữ trong kinh Tân ước xao lòng. Mười tám tuổi, tim Trang bắt đầu loạn nhịp. Cảm giác nhớ một người cứ đeo bám suốt cả ngày. Bên kia bàn, ý nghĩ có cô bạn khác phái len lén nhìn mình hoài cũng làm Nhân không điều khiển nổi tay chân. Ba tháng học chung, cả hai chỉ thập thò nhìn nhau mà hổng dám nói tiếng nào. Nhiều lúc thừa khi vắng người, anh muốn chạy tới, nói với Trang rằng, mình thích bạn. Nhưng hễ nhìn thấy cô là chả hiểu sao anh lại đóng mặt lạnh. Cũng như Trang chẳng dám thì thầm khi đối diện, hai đứa mình thân hơn chút nữa đi, chứ đừng xa cách như vậy hoài, khó chịu quá.
Rồi họ… chia tay nhau. Anh theo gia đình đi Mỹ định cư bắt đầu cuộc đời mới. Cô vào Sài Gòn theo đuổi ngành tài chính ngân hàng. Mối tình học trò chưa chớm nở đã vội tàn như sương sớm lúc ngày lên. Họ giữ liên lạc với nhau bằng những lá thư vượt biển. Quyển vở tiếng Việt cô mượn anh ngày thi tốt nghiệp chẳng bao giờ về tay chủ cũ. Cũng như đóa cúc vàng năm nào trở thành miền nhớ khôn nguôi, nhưng chỉ đủ làm họ nao lòng, chứ chẳng còn như hồi đi học.
- Anh đã có người yêu chưa?
- Mấy năm trước bị cắm sừng. Giờ chán rồi. Không yêu đương gì nữa.
Cô nguýt anh một cái rõ dài.
- Thấy chưa? Ai bảo hồi đó không chịu yêu em làm chi để giờ như thế.
- Hồi đó nghèo quá sao dám tơ tưởng. Giờ mới thấy tiếc nè. Mỗi lần có dịp về lại Nha Trang, ngang Trường Lý Tự Trọng, anh luôn nhìn vào phòng học ngày xưa, và tưởng tượng cảnh em rụt rè mua chiếc áo ấm màu xanh nhạt, tới lớp thiệt sớm, len lén nhét vô hộc bàn anh lúc
mùa đông gió về giữa phố biển lạnh căm.
- Hồi đó em “sến” ghê hồn anh nhỉ?
- Anh cũng thấy vậy - Nhân cười to - Nhưng nhờ vậy mà anh mới lết qua hết mùa đông năm đó. Khi nào thì em cưới?
- Cưới hỏi gì anh ơi.
- Chứ Hớn của em đâu? Anh chàng trồng cây si em suốt mấy năm sinh viên đấy. Anh nhớ có lần về ghé thăm, Hớn nhìn anh với đôi mắt hình viên đạn.
- Hết lâu rồi anh. Em hành hạ anh ấy thất điên bát đảo, rồi lẳng lặng bỏ đi không nói tiếng nào. Những anh chàng sau này cũng bị em dửng dưng như thế. Không yêu, không thương, nhưng không nói thẳng. Em chỉ muốn có ai đó quanh mình, chiều chuộng và tâng bốc, để em hành hạ khi chán. Ác quá nên em bị trời đày nè. Năm ngoái, em gặp một gã khách VIP, đã có vợ, hai con. Suốt mấy tháng chạy dự án, hai đứa dính như sam, gặp nhau mỗi ngày, ăn chung từ trưa tới tối. Hắn kể em nghe nhiều về chuyện gia đình, nào là không hạnh phúc, đang làm thủ tục ly dị, đến với cô ấy vì gia tài khổng lồ, còn cô ấy đến với hắn vì cái mã đẹp trai. Cuộc sống vợ chồng không tình yêu như địa ngục, mỗi ngày gặp mặt trơ như đá. Em khuyên hắn thôi ráng hàn gắn vì con, chứ thiếu vắng bất cứ người nào cũng để lại vết sẹo khó lành trong lòng tụi nhỏ. Trớ trêu ghê, khuyên bảo thế nào không biết, em lại dính vào lưới tình của hắn. Cảm giác vụng trộm với một người đàn ông có vợ thật là đáng sợ nhưng đầy kích thích. Em như con lũ bất kể thác ghềnh, đồi dốc, cố lao về biển rộng, muốn xóa bỏ mọi định kiến về hôn nhân, gia đình cổ hủ, chỉ muốn được gần hắn mỗi ngày, quấn quýt nhau mỗi phút mà thôi. Rồi vợ hắn phát hiện. Chị không đồng ý ly dị. Bảo chẳng đời nào để ảnh rớ vào mớ tài sản khổng lồ của mình rồi cao chạy xa bay với một con đàn bà tội lỗi khác. Anh ta khóc hu hu trước mặt em. Một lần nọ, chị tới công ty tìm chồng, vô phước là em đứng chung thang máy với chị ấy. Em quíu hết cả người, lảo đảo muốn té. May mà chị ta không biết em là ai chứ không chắc cào nát mặt em ra quá. Đó là một người phụ nữ không đẹp nhưng rất sang, toát ra vẻ uy quyền làm người khác phải kính nể. Em thấy tội cho anh ta, làm chồng một người đàn bà quyền thế như vậy chẳng dễ chịu chút nào. Lần đầu tiên trong đời em mới thật sự biết yêu, vậy mà…
Nhân chồm tới vỗ vai, rút khăn giấy để cô chùi nước mắt. Bao năm quen nhau, anh mới thấy Trang khóc, mà lại giữa quán xá thế này. Có lần cô viết thư gửi anh, bảo, sau mấy năm học tập và lăn lộn giữa Sài Gòn, tạo dựng sự nghiệp vững chãi bằng hai bàn tay trắng, em đã mạnh mẽ và cứng cáp hơn nhiều, không còn là con bé rụt rè, khép nép như xưa. Em muốn giống cây hoa đá, vững chãi giữa khô cằn nắng gió mà không úa tàn hay gục chết. Nhưng Nhân biết, đó chỉ là cách cô xù lông với cuộc đời, cố giấu sự yếu đuối của mình qua vẻ ngoài lộng lẫy và đầy kiêu hãnh.
- Đừng khóc nữa. Người ta nhìn kìa. Cũng là duyên phận cả thôi.
Mưa nhẹ hạt và bắt đầu tạnh hẳn. Đường phố ngày càng nhộn nhịp. Tiếng còi xe tin tít, máy nổ rầm rầm, thiên hạ í ới gọi nhau… Sáu tháng xa nơi này, anh thấy mình chậm lụt hơn một chút. Cuộc sống chậm rãi, đều đều, như một chương trình lập sẵn bên kia biến anh thành con rô bốt có não. Sáng đi làm, chiều về đi gym, tối lên mạng đọc tin, Facebook, rồi ngủ. Ngày này qua ngày khác, năm nọ xọ năm kia làm anh ù lì hẳn ra. Về lại Sài Gòn, phải mất mấy ngày anh mới hòa vào nhịp sống vội vã của bạn bè và đường phố. Thỉnh thoảng, anh vẫn ngồi góc cà phê nào đó, một mình, với cuốn sách, không bạn bè, người thân, lầm lũi như tượng đá giữa tiếng đời quanh anh sôi động, để chậm rãi nhìn từng khoảnh khắc thời gian êm ru lướt qua trước mặt. Giữa cơn mưa chợt đến chợt đi, anh hay nhớ nụ hôn mê siết của cô gái tóc ướt mưa và giọng Ngọc Lan buồn man mác: “Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc một dòng sông (3)…”.
- Ý định trở về năm xưa có còn thôi thúc trong anh?
- Anh đã book vé một chiều, định về vào cuối năm nay. Ai dè má mất, anh trở tay không kịp. Chắc anh dời thêm vài tháng nữa.
- Anh có còn trẻ nữa đâu mà dời miết.
Nhân với tay uống ngụm nước cuối cùng trong ly cho bớt khát. Đã bao đêm anh tự hỏi, mình cô đơn ở lại đây làm gì cơ chứ? Tại sao không chịu buông bỏ bớt cho nhẹ lòng? Bên đó, anh cố làm thiệt nhiều tiền giúp đỡ gia đình, lo cho ba má tuổi già bóng xế. Giờ họ lần lượt bỏ anh đi không lời từ biệt mà anh cũng chẳng chịu quay về. Có lẽ bao năm ở xứ người, những thói quen hằng ngày như rễ chùm, rễ cọc, cắm sâu vào từng mạch máu, len lỏi khắp tế bào da thịt, thành một thói quen không dễ gì một sớm một chiều là dứt ra được. Nhân đã hứa với cô và bạn bè sẽ trở về một vài năm làm việc, nhỏ xíu xiu cũng được, như đi dạy, hướng dẫn viên du lịch, hay sáng sớm mặc áo trắng quần đen, xách cặp đi làm công sở. Chẳng cần lương cao, đủ anh cà phê, ăn cơm bụi và trả tiền thuê nhà là được rồi. Chủ yếu là nhẹ lòng và tròn giấc ngủ. Vậy mà…
Nghĩ cũng mắc cười, giữa xứ người xa lạ, anh hiên ngang sống không sợ trời không sợ đất, nhưng lại chùn chân trên chính quê hương mình.
Nhân bóc vỏ chiếc bánh xu xê nhân đậu xanh dừa mời Trang.
- Ăn đi, ở quê mỗi lần đám cưới người ta hay đãi bánh này lắm nè.
- Mai mốt không biết đám cưới em người ta còn đãi nó không ta?
- Nếu được mời, anh sẽ đi quà bằng... hai mâm xu xê nhé!
Trang trề môi, quà chi mà kỳ lạ. Nhưng thiệt tình là cô rất khoái.
Nhân đứng dậy, móc bóp tính tiền, rồi mở cửa đợi Trang xách giỏ ra trước quán. Nắng xuyên qua đám mây mù, nhảy loi choi trên mấy giọt nước mưa đọng lại trên vỉa hè. Sài Gòn đẹp quá anh ha? Ừa. Chả trách những ai lỡ gắn bó với thành phố này mỗi khi đi xa đều quay quắt nhớ và chộn rộn muốn về, chẳng để làm gì, ngồi nhìn thôi cũng đủ.
- Anh đi bằng gì tới?
- Taxi.
- Em chỉ mang một cái nón bảo hiểm nên không thể chở anh về kẻo mấy chú công an phạt thì khổ. Mà anh còn muốn ăn gì nữa không?
- Tự nhiên anh thèm chè.
- À, gần đây có quán chè rất ngon. Để em nói chủ quán cho gửi xe ở đây rồi mình đi bộ tới.
Nhân gật đầu rồi cùng cô sóng đôi trên vỉa hè sũng nước. Gió thổi mạnh. Trang quay mặt sang anh tránh gió. Nhân vu vơ nghĩ, nếu tóc cô dài hơn tẹo nữa thì đã phả vào mặt mình. Nếu hai đứa đi gần thêm chút nữa, môi của cô sẽ đụng vào má anh, y chang mấy bộ phim tình cảm Hàn Quốc. Trời ơi, đầu óc mình có vấn đề, toàn nghĩ bậy.
- Anh đang cười gì thế?
Nhân lắc đầu không nói. Chân bước đều. Anh lơ đễnh nhét đóa cúc vàng (hồi nãy ăn trộm trong quán) vào tay Trang rồi thì thầm bên tai cô như gió.
- Tặng em.
Cô quay sang nhìn, có chút bất ngờ, nhưng ấm áp. Ai bảo Sài Gòn không có mùa thu cơ chứ? Dẫu nơi này không se lạnh, thoang thoảng mùi hoa sữa trên từng ngã phố đông người như Hà Nội, hay đầy lá phong vàng bay trong gió nhẹ, chiều rơi giữa nắng thơm mùi bắp chín trên cánh đồng đang thu hoạch, cạnh mớ hoa dại tươi màu trên xa lộ xứ Mỹ vun vút xe bay, mùa thu Sài Gòn dìu dịu lá me rơi đầy lối vắng, sau cơn mưa nhẹ nhàng ướt tóc và đóa cúc vàng rực rỡ trong tay Trang.
Nhân lại cười, lần thứ bao nhiêu trong ngày không nhớ. Và Trang cũng chẳng thèm hỏi anh đang cười cái gì. Mà nếu có hỏi, chắc Nhân sẽ lấp liếm trả lời, anh đang nghĩ không biết hàng chè mình sắp ghé có bao nhiêu món, đủ thỏa mãn cơn thèm ngọt của anh không?
(1) Cô gái tinh nghịch, ăn mặc như con trai
(2) - Anh phải cầm như thế này nè. Thấy chưa?
- Chúa ơi! Anh không thể. Đôi đũa nhỏ quá à.
(3) Ca khúc Khóc một dòng sông của nhạc sĩ Đức Huy
Bình luận (0)