Từ đó, một chương trình Tiếp sức mùa thi rất nhân văn và ý nghĩa được truyền từ lớp sinh viên này đến lớp người trẻ khác suốt 25 năm qua.
Trụ sở Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM năm 2004 rất bận rộn trong các ngày thí sinh đi thi |
CTV |
Hạnh phúc khi chứng kiến nhiều thế hệ thí sinh được tiếp sức
Năm 1997, xuất phát từ những khó khăn và bị “cò mồi” xe ôm ăn hiếp, hăm dọa tại bến xe, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nảy ra ý tưởng đặt điểm đón thí sinh tại các bến xe. Nhóm sinh viên đến Thành đoàn trình bày nguyện vọng về hoạt động tình nguyện này, Ban Thường vụ Thành đoàn lúc bấy giờ thấy ý tưởng rất hữu ích và nhân văn nên đã giao cho Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM trực tiếp tổ chức thực hiện. Chương trình Hỗ trợ thí sinh thi đại học đã ra đời từ đó.
Đón phụ huynh và thí sinh về chỗ trọ |
c.t.v |
Năm 2001, chương trình chính thức mang tên Tiếp sức mùa thi (có sự tham gia của Tập đoàn Thiên Long). Năm 2002, T.Ư Hội Sinh viên VN nhân rộng chương trình ra toàn quốc với sự tham gia của Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long.
25 năm nhớ lại, anh Ngô Anh Vương, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong những thành viên của nhóm sinh viên khởi xướng chương trình này, bồi hồi cảm xúc như ngày đầu, kể: “Cả nhóm lúc đó đi từ Bình Định vào TP.HCM thi, xuống bến xe rất là sợ, một nhóm xe ôm bao quanh lại hỏi đi đâu, tụi mình từ chối không đi thì vừa ôm ba lô đi được vài bước đã bị nhóm xe ôm này chạy tới đánh. Lúc đó, mình giá như có ai đó đón và hướng dẫn thì tụi mình đã không bị ăn hiếp như vậy. Và mình nuôi ý tưởng đến khi là sinh viên phải làm hoạt động gì đó để hỗ trợ thí sinh đi thi”.
Tình nguyện viên đón thí sinh về nhà trọ |
Anh Vương cho biết sau đó khi trình bày ý tưởng lên Thành đoàn và Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM thì được mọi người hưởng ứng nhiệt tình và khen ý tưởng quá hay, thế là bắt tay làm. Những năm sau đó, chương trình được sự vào cuộc và đồng hành của nhiều đơn vị, bắt đầu lớn mạnh hơn và lan tỏa đến ngày hôm nay.
“Đối với những sinh viên tỉnh lẻ xa xôi như mình vào thành phố thi đại học thì giá trị mà chương trình mang lại vô cùng quý giá. Cứ mỗi năm, nhìn thấy chương trình càng lớn mạnh, nhiều đơn vị cùng tham gia… tự dưng mình hạnh phúc vô cùng. Cái vui của mình là những trăn trở, mong muốn của mình được hiện thực hóa, thí sinh và phụ huynh không còn phải bị cảnh như mình ngày xưa nữa”, anh Vương hạnh phúc bày tỏ.
Cơ hội để làm nhiều điều tử tế
Không chỉ đối với bao thế hệ thí sinh đi thi, các bạn mang ơn 25 năm của chặng hành trình này, mà những người được đồng hành cùng chương trình để tiếp sức thí sinh lại càng biết ơn chương trình khi cho họ cơ hội được làm nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời.
Nhiều năm trước, thấy học trò đi thi khổ quá, nhiều thí sinh phải ở ngoài công viên, không có chỗ tắm rửa, ngủ nghỉ nên khi biết đến chương trình Tiếp sức mùa thi, cô Đỗ Thị Thu (ngụ tại đường Bà Hom, Q.6, TP.HCM) đã đăng ký với chương trình để cho thí sinh ở trọ miễn phí.
Cứ mỗi năm, nhìn thấy chương trình càng lớn mạnh, nhiều đơn vị cùng tham gia… tự dưng mình hạnh phúc vô cùng. Cái vui của mình là những trăn trở, mong muốn của mình được hiện thực hóa, thí sinh và phụ huynh không còn phải bị cảnh như mình ngày xưa nữa
“Biết đến chương trình là tôi đăng ký liền. Tôi biết ơn chương trình vì cho tôi cơ hội để được làm nhiều điều ý nghĩa. Chương trình này điều quý giá nhất là lan tỏa được tình người, để từ đó rất nhiều người, đơn vị cùng chung tay. Một điều rất đặc biệt là lớp thí sinh này được tiếp sức, khi trở thành sinh viên, các cháu quay lại hỗ trợ cho lớp thí sinh đàn em. Sự nối tiếp này là điều rất đáng quý”, cô Thu, người đã có 14 năm “thâm niên” cho thí sinh ở trọ miễn phí, bày tỏ.
Đón thí sinh ở ga Sài Gòn |
C.t.V |
Với chú Thạch Ngọc Khanh (62 tuổi, chở thí sinh miễn phí và giá rẻ suốt 8 năm, hỗ trợ tích cực cho sinh viên tình nguyện tại Bến xe Miền Đông nhiều năm liền) thì chính hình ảnh đẹp của các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đã truyền cho vợ chồng chú động lực để đồng hành cùng thí sinh nhiều năm liền.
Chú Khanh nhớ lại: “Thời đó tôi nhìn thấy những cháu sinh viên tình nguyện đi làm Tiếp sức mùa thi, ngày đó sinh viên khổ lắm, không được như bây giờ, các cháu đi học mà không có tiền để ăn, đi làm tình nguyện trời mưa cũng không có ô để che…; thế mà các cháu cũng xông pha giúp đỡ cho thí sinh, không lẽ mình không làm được”.
Chú Khanh cũng chia sẻ thêm: “Tôi giúp thí sinh không hề mong cầu điều gì, nhưng sau này khi các cháu thành đạt, đều quay lại bến xe tìm tôi và cứ gọi “bố Khanh, bố Khanh ơi”. Tôi chỉ có 3 đứa con nhưng nhờ tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi, tôi có thêm một “đàn con” quý giá quá chừng”.
Anh Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi TP.HCM, bày tỏ: “25 năm qua, chương trình như sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối tinh thần tình nguyện của tất cả thế hệ sinh viên với nhau, từ đó cộng hưởng lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc đến toàn xã hội. Những thế hệ sinh viên tình nguyện từ những ngày đầu của chương trình, đến bây giờ vẫn mang trong mình những ngọn lửa tình nguyện ấy và tiếp tục đóng góp những điều ý nghĩa cho xã hội”.
Anh Dũng cũng cho biết trong tương lai, dưới góc độ là đơn vị khai sáng ra chương trình, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục tìm tòi những giải pháp hiệu quả để giúp chương trình thật sự có sức sống và có giá trị đối với thí sinh, sinh viên và cả cộng đồng xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo được việc bắt kịp xu thế thời đại, cũng như tạo thành mặt trận tập hợp sinh viên đông đảo và hiệu quả hơn.
“Chương trình sẽ còn sống mãi và không bao giờ dừng lại”
Chị Nguyễn Thị Nhung tặng quà động viên sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi năm 2005 |
C.T.V |
Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho chương trình, chị Nguyễn Thị Nhung, nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM (1998 - 2007), nhìn nhận: “Qua chặng đường 25 năm mà chương trình Tiếp sức mùa thi càng ngày càng phát triển thì càng chứng tỏ được chương trình rất có ý nghĩa và nhân văn, cũng như đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Với những ý nghĩa mà chương trình mang đến cho thí sinh và người nhà, chương trình sẽ còn sống mãi và không bao giờ dừng lại. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi những người làm chương trình cần có những suy nghĩ sáng tạo và phù hợp với thời đại để đưa chương trình ngày càng phát triển hơn nữa”.
Bình luận (0)