Một xã hội còn tiềm ẩn bất an, những đám đông sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp luật pháp, có thể đánh chết người, điều đó bất cứ người lương thiện nào cũng không mong muốn.
Một việc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Đã đành những vụ trộm chó diễn ra nhan nhản, hằng ngày trên khắp nước khiến dư luận lẫn cơ quan công quyền chép miệng bỏ qua, “thì cái trò trộm vặt ấy mà”, nhưng trường hợp này khá nghiêm trọng, gợi nhiều vấn đề.
Chả là sáng qua 28.7, hai tên trộm chó chuyên nghiệp (bởi có cả súng bắn điện, lúc bị phát hiện đã bắt được 6 con chó to kềnh) bị dân đánh trọng thương, đốt cháy cả xe máy xịn Exciter. Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng như mọi lần, đang điều tra đầu đuôi, nguyên cớ, thủ phạm, người liên quan…
Trước hết nói về những kẻ trộm chó. Âu cũng là cái nghiệp, gieo gì phải gặt nấy. Biết là đi ăn trộm chó (thực ra là cướp) sẽ gánh hậu quả nhưng vẫn đi, hiểu tai họa chực chờ nhưng vẫn làm. Đây không phải dạng “đói ăn vụng, túng làm liều” mà là chấp nhận sự trả giá. Chúng liều lĩnh, hung hăng, sẵn sàng đánh trả những người ngăn chặn hành vi phạm pháp của chúng. Đã có nhiều vụ kẻ trộm bị dân chúng bắt quả tang, đánh cho tơi tả nhưng những kẻ khác vẫn không tởn không chừa. Đừng ai bênh những tên trộm cướp như thế. Gieo nhân nào phải gặt quả nấy, lẽ xưa nay là vậy.
Nhưng cũng rất đáng lo. Đã quá nhiều vụ trộm chó xảy ra trên khắp nước này, và cũng không ít vụ dân chúng không kiềm chế được bạo lực, đánh kẻ trộm chó bị thương, thậm chí chết, hủy hoại tài sản kẻ trộm. Một xã hội tiềm ẩn bất an, những đám đông sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp luật pháp, có thể đánh chết người, điều đó bất cứ người lương thiện nào cũng không mong muốn. Vấn đề còn rơi vào lúng túng, bế tắc ở chỗ dân chúng vẫn chưa biết cách hành xử kẻ trộm tài sản của mình thế nào cho thỏa đáng, nhất là khi cơn giận dữ nổi lên, không chỉ của một vài người mà cả cộng đồng.
Lâu nay, chính quyền, pháp luật gần như thờ ơ, thả lỏng tình trạng trộm chó, hầu như chưa có biện pháp răn đe, xử lý thật nghiêm khắc, thật quyết liệt bọn tội phạm này nên nó khinh nhờn, không sợ. Có người bảo rằng bọn chúng đã khai thác được chỗ yếu đó của hệ thống luật pháp, kỷ cương xã hội. Họ nói bọn trộm chó có thách kẹo cũng chả dám mò sang những nước Hồi giáo chẳng hạn. Cứ vác súng điện, thòng lọng đi ăn trộm đi, hậu quả thấy ngay. Nhẹ thì chặt tay cho chừa thói trộm cướp, nặng thì ném đá tới chết. Xứ ta “nhân văn” không xử nặng như luật Hồi giáo, mà chỉ triệu tập đương sự làm việc, phạt hành chính cho xong. “Bắt” rồi thả, chúng “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, không chừa, lại đi ăn trộm. Không có tên trộm chó nào bị xử tù. Trong khi đó, cơ quan thực thi pháp luật thường chỉ tập trung xử lý những hành vi manh động đánh kẻ trộm chó, chê trách nhân dân không tuân thủ pháp luật. Có lẽ nhiều người còn nhớ vụ đánh chết kẻ trộm chó xảy ra ở tỉnh Bắc Giang năm nào, cả làng đứng ra “nhận tội” khi chính quyền định khởi tố, truy tố “kẻ chủ mưu”. Nhà chức trách xử lý cách đó khác nào bỏ qua cái gốc mà chỉ vặt ngọn, chả bao giờ chấm dứt được nạn trộm chó.
Phải hãm lại sự bùng phát bạo lực tự phát của dân chúng, kiểu như nghi trộm chó, nghi bắt cóc trẻ em, nghi thôi miên chiếm đoạt tài sản, rồi dẫn đến đánh người, đốt xe, coi thường pháp luật. Điều đó rất nguy hiểm bởi sẽ đưa đến tình trạng tự xử, bất cần luật pháp, vô chính phủ. Nhưng cũng phải hiểu rằng dân hoàn toàn không muốn vậy. Cứ đặt trường hợp, nếu bạn nuôi con chó cưng, nó như thành viên trong gia đình; nếu bạn sinh sống ở những vùng an ninh trật tự không bảo đảm, thì mới thấy tầm quan trọng, thân thiết của con chó. Nó như người nhà, như một nhân viên bảo vệ. Tôi có người bạn, nhà báo Hoàng Hải Vân, về quê sống, nuôi cả đàn chó, hiểu tính nết từng con, quý chó không thể tả (báo Thanh Niên đã có loạt bài dài kỳ về chuyện này). Cứ giả dụ bọn cướp chó ngang nhiên đến cướp, chĩa súng điện, đâm lao nhọn vào những “bạn” chó cưng thân thiết ấy, tung ớt bột vào chủ nhà, tôi không dám chắc ông bạn tôi có sử dụng bạo lực để ngăn chặn bạo lực hay không, dù biết anh ấy cực kỳ am hiểu pháp luật.
Một người khác nói với tôi rằng trộm chó không phải tội nghiêm trọng, nguy hiểm. Đánh trọng thương bọn trộm chó là sai. Tuy nhiên cũng nên đặt câu hỏi tại sao người dân quá manh động khi bắt được những tên trộm chó. Có lý do. Bọn trộm chó càng ngày càng liều lĩnh và ác độc, không chỉ trộm chó, khi bị phát hiện thì chúng dùng vũ khí chống trả quyết liệt những người tham gia vây bắt. Rồi bộ máy pháp luật cũng xử quá nhẹ không đủ sức răn đe sau khi bọn chúng bị người dân bắt giữ, giao nộp. Đừng cho rằng giá trị tài sản không lớn (vài con chó mà ăn nhằm gì) để rồi không kết tội, kết án. Tội nhỏ không bị chặn, sẽ thành lớn. Bỏ qua cái sảy sẽ nảy ra rất nhiều cái ung. Và nghiêm trọng nhất là pháp luật bị nhờn, dân chúng không còn tin vào hệ thống pháp luật.
Nhà báo Trần Văn Sỹ (Bộ TT-TT) vừa viết gửi cho tôi: Dân chẳng biết hành xử kiểu gì thì đành làm thế. Bắt trộm mà không đánh thì không bắt được. Đánh thì bị xử tội "cố ý gây thương tích". Bắt mà không trói giữ thì cũng không bắt được. Trói giữ lại bị xử tội “giữ người trái phép”. Thế thì chỉ có cách để yên cho trộm lấy của mình thôi. Ở những vùng người dân đánh chết trộm chó, thường trộm không dám vào nữa. Luật rừng lên ngôi vì luật pháp kém cỏi mà thôi. Dân thì bao giờ cũng là dân. Nhưng dân cũng là Trời. Đừng có trách dân.
Tôi nhớ một chuyện cũ. Hồi cuối những năm 1960 ở miền Bắc, làng tôi rất yên bình bỗng liên tiếp xảy ra vài vụ mất gà. Công an rình và bắt được thủ phạm là một thiếu niên hư hỏng. Tên trộm gà được “ưu tiên” đưa đi cải tạo, giáo dưỡng trên trại ở tỉnh miền núi Lào Cai. Từ đó làng xóm lại yên bình, không hề trộm đạo gì nữa, dù cuộc sống còn rất nhiều thiếu thốn, khốn khó.
Nếu chính quyền không có biện pháp hợp lý, tôi tin tình trạng “trộm chó và đánh kẻ trộm chó” sẽ còn tiếp diễn. Tức là pháp luật bị thua.
Bình luận (0)