Sự việc xảy ra vào tháng 5.2020 tại lớp 8 trong một trường ở Hà Nội.
Sau sự việc trên, nam sinh đã bị nhà trường kỷ luật nghỉ học một năm. Người bạn quay đoạn clip trên cũng tự ý nghỉ học.
Một hành vi thiếu kiềm chế, hai học sinh nghỉ học và không biết việc học sẽ phải tiếp tục thế nào.
Sự việc đáng buồn tưởng đã kết thúc êm xuôi nay được mạng xã hội xới lại. Đã có nhiều cách nhìn nhận quanh sự việc. Có cái nhìn phóng đại bi quan, cho rằng đó là cái tát vào ngành giáo dục nhiều khuyết tật. Có cái nhìn bình tĩnh hơn, xem đó là một kiểu ứng xử cá biệt thời nào cũng có. Và cũng có cả quan điểm những chuyện không tốt lành ấy trong giáo dục thì không nên khơi lên trên mạng làm gì...
Sự việc khiến người viết nhớ lại một kỷ niệm thời trung học. Có lần chính mình đã chứng kiến cảnh hai học sinh lớp 12 đánh nhau trong một dịp cắm trại toàn trường. Không ai dám vào can ngăn vì cả hai đều có “lận” hung khí. Một thầy giáo lúc ấy đã can đảm vào cuộc. Chỉ sau vài phút thì hai con “ngựa chứng” bị quật ngã bằng những thế nhu đạo (judo) của ông thầy. Nhà trường sau đó đã mở một cuộc họp kỷ luật, nhưng không tới mức đuổi học. Điều quan trọng là giúp hai học sinh đó làm hòa và xin lỗi giáo viên vì trong khi hung hăng, họ đã tấn công cả ông thầy.
Bốn năm sau, một trong hai học sinh đó làm thầy giáo ở chính ngôi trường cũ. Người còn lại thì có cuộc sống yên ổn. Khi nhắc lại chuyện cũ, cả hai đều biết ơn những “chiêu nhu đạo” của thầy đã cứu họ thoát khỏi nguy cơ của một án mạng.
Trên thực tế, không phải thầy cô giáo nào cũng biết môn nhu đạo để có thể ứng phó với các “ngựa chứng”. Nhưng dù thế nào, thì nhà trường với thiên chức sư phạm của mình, vẫn phải là một môi trường sẵn sàng đối diện và hóa giải các chiều hướng tiêu cực xâm nhiễm từ bên ngoài. Ở đó, có một bộ môn “nhu đạo” (lấy nhu thắng cương) mà mỗi giáo viên cần trang bị, chính là những quy tắc nghiêm minh luôn phải đi cùng với kỹ năng ứng phó tình huống sư phạm thấu đáo.
Và như thế, bộ môn tâm lý học lứa tuổi và tình huống sư phạm vốn bị coi nhẹ cần được cập nhật sống động trong các trường đào tạo giáo viên tương lai và trong các sinh hoạt nghiệp vụ dạy học.
Chính bộ môn này sẽ trả lời cho chúng ta các câu hỏi: Một học sinh lớp 8 với khả năng bộc phát khó lường thì sẽ cần lối răn đe nào để không dẫn đến hành vi bạo lực? Và khi bạo lực, sự bất kính đã xảy ra rồi thì cần hình thức xử lý nào để học sinh tìm thấy sự khoan dung để thay đổi? Người giáo viên sẽ làm gì để bảo vệ mình khi học sinh “ra tay”?...
Cần một lăng kính mới để phân tích vấn đề hơn là phóng đại sự bi quan, thản nhiên cho qua hay “giấu đi chẳng hay ho gì”.
Bằng hệ thống nội quy và quy định văn hóa đạo đức học đường, nhà trường bảo vệ sự tôn nghiêm và an toàn cho môi trường dạy học. Nhưng nhà trường cũng cần những điều kiện sư phạm đảm bảo tính bối cảnh hóa. Nghĩa là đòi hỏi nhiều hơn ở người thầy, nên có cả khả năng xử lý nguy cơ xảy ra xung đột và bạo lực, mà trước hết là xung đột trong những tương quan ở phạm vi lớp học.
Bình luận (0)