- Bà Lê Ty nào mà sao còn trẻ quá? Có phải nữ diễn viên chánh trong phim Cánh đồng ma, phim nói đầu tiên người Việt Nam đóng, đã do người Tàu quay ở Hương Cảng cách đây trên hai mươi năm?
- Đúng đó.
Vốn thích điện ảnh và lại muốn biết bước đầu của tài tử Việt Nam đóng phim nói ra sao, tôi đã tìm gặp bà Lê Ty.
Bà đã tiếp tôi tại từng lầu cao chót vót, lầu thứ bảy của một “buyn-đinh”.
Nếu Marlène Dietrich còn đủ phong độ để lên sân khấu Ba Lê vừa rồi và được công chúng Pháp hoan hô nhiệt liệt, thì bà Lê Ty nay gần tứ tuần mà vẫn còn trẻ như một thiếu nữ.
Bà đã vui lòng thuật cho tôi nghe những chuyện vui buồn ở Hương Cảng, khi đoàn tài tử Việt Nam gồm 22 người đã xung phong mở đường khai lối cho phim nói Việt Nam trên màn bạc.
Năm ấy là cuối năm 1937.
Đoàn tài tử Việt Nam do ông Đàm Quang Thiện cầm đầu, trong số có cả nhà văn Nguyễn Tuân nữa, đã được Pac Sung Kinh, chủ rạp hát Trung Quốc Hà Nội, thay mặt hãng phim “Nam Việt Điện ảnh Công ty” ở Hương Cảng mời sang đây đóng phim Cánh đồng ma do ông Thiện viết truyện phim.
Vì là bước đầu người Việt Nam ra ngoại quốc đóng phim nói, nên báo chí toàn quốc khuyến khích cổ võ, hoan nghinh nhiệt liệt.
Công việc quảng cáo không tiền ấy làm cho người Tàu được vững dạ tin chắc sẽ có lời lớn. Họ đã bỏ ra 15 ngàn chi dụng vào cuốn phim này, đó là một số tiền khá lớn 22 năm trước. Họ nóng lòng quay cho xong, không cần chú trọng đến phần nghệ thuật, miễn sao tranh thủ thời giờ để có cuốn phim đem về Việt Nam quay cho công chúng xem, lợi dụng tánh hiếu kỳ của công chúng và tình đồng bào của người Việt muốn nâng đỡ tài tử Việt Nam.
Nhưng phía tài tử Việt Nam có những người trọng nghệ thuật, không muốn đồng bào thất vọng trong bước đầu của phim nói Việt Nam. Họ không chịu cho người Tàu bôi lọ nghệ thuật.
Một bên vì nghệ thuật, một bên vì tiền, hai bên xung đột nhau đến nỗi đoàn tài tử Việt Nam đã làm “reo” nhiều ngày, không làm việc và ông Đàm Quang Thiện đã tính bỏ dở đưa anh em về nước.
Do sự căng thẳng ấy mà mất thời giờ và nhóm tài tử Việt Nam không về kịp được trước tết.
Anh chị em đã bị bọn “con buôn nghệ thuật ba Tàu” đánh một đòn kinh tế, toan dùng sự khổ sở để làm nao núng tinh thần. Họ không “tiếp tế” cho anh chị em. Nhưng ông Đàm Quang Thiện đã có một số tiền 1.200 đồng là tiền ông lãnh được của một ông chủ nhà in Hà Nội thù lao ông sau khi ông chữa cho ông chủ nhà in hết bịnh điên. Văn sĩ Nguyễn Tuân cũng hốt được phần hụi mấy trăm đồng trước khi ra đi. Nhờ hai khoản tiền ấy anh chị em đủ sống bóp bụng với nhau để đương đầu với trận “phong tỏa kinh tế” của những “con buôn nghệ thuật”.
Trong số nghệ sĩ Việt Nam, có một thiểu số đã bị bọn “con buôn nghệ thuật” mua chuộc. Họ nhận làm công cho nhóm người Tàu quay phim Cánh đồng ma tách ra đóng cho bọn này một cuốn phim khác là Trận phong ba để đem trước về Sài Gòn chiếu cho công chúng xem với những lời quảng cáo rùm beng: “Đây là cuốn phim nói tiếng Việt đầu tiên!”. Công chúng sẽ hiểu lầm là phim Cánh đồng ma đổi tên vậy.
Trong bầu không khí đau thương, chia rẽ ấy, nhóm tài tử trọng nghệ thuật đã phải ăn một cái tết buồn tẻ trên đất khách quê người.
Vì nhiều anh em khuyên chớ bỏ dở công việc, sẽ phụ lòng mong mỏi của đồng bào nước nhà nên ông Đàm Quang Thiện phải cắn răng nhận lời với hãng phim “Nam Việt Điện ảnh” để quay cho hoàn tất cuốn phim Cánh đồng ma.
Ngày 30 tháng chạp năm ấy, trong khi bên ngoài thiên hạ huyên náo với tiếng pháo nổ vang, xác pháo nhuộm đỏ các lề đường, thì trong phim trường, nhóm tài tử Việt Nam còn làm việc đóng phim.
Bánh chưng xanh, câu đối đỏ và thịt mỡ dưa hành... Nào có gì đâu!
Biết lấy gì mà ăn tết!
Lạch tạch! Lạch tạch! Đùng! Đùng! Tiếng pháo nổ nghe rền tai nhức óc.
Binh bong! Binh bong!
Đồng hồ trên tường điểm mười hai tiếng.
Đây là phút linh thiêng mà con người rũ áo phong sương của năm cũ để khoác cái áo Tân Xuân của năm mới.
Nhóm tài tử Việt Nam quây quần bên bình trà thơm phức và thưởng xuân bằng món quà ông Đàm Quang Thiện đưa ra:
- Đây! Chẳng có gì cả! Chỉ có bài thơ cụ Tư Đàm gởi từ nước nhà sang tặng chúng ta.
Cụ Tư Đàm tên thật là Nguyễn Đức Đàm, có người con trai là Nguyễn Đức Ngạc cùng đi với nhóm tài tử qua Hương Cảng đóng phim.
Hăm hai tài tử nước nhà
Nhiệt thành nghệ thuật
xông pha nước người
Sao cho đi chín về mười
Năm châu góp một trò cười về sau
Nghề phim ảnh, cờ đầu phất trước
Sá quản gì non nước luống xa khơi!
Màn năm châu có đã bao đời
Mà thế kỷ thứ 20, mình chửa có!
Đã trót chen vai trong cuộc nhọ
Cũng mong góp mặt với “Vua hề”
Kìa Sạt-lô sung sướng đã trăm bề
Thế mới biết có nghề thì có nghiệp
Ngoài nghìn dặm cánh hồng đưa một thiếp
Những mong chờ báo tiếp lúc sư hoàn
Trai lành gái tốt một đoàn!
Bài thơ của một nhà túc nho đất Bắc, đã nổi tiếng qua Tao Đàn, đã là món quà tết quý nhứt, an ủi nhóm tài tử tha hương.
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM 2020).
Bình luận (0)