'Cải thiện' bao giờ thành 'cải cách'?

23/10/2018 05:03 GMT+7

Như một thông lệ, phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội nào các vị đại biểu cũng dành thời gian lắng nghe báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri.

Và cũng như thông lệ, báo cáo kỳ họp lần này cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ mạnh tay với nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, thứ gây hại về vật chất tuy không lớn, nhưng ngày ngày bào mòn niềm tin của người dân vào chính quyền.
Hàng triệu cử tri ở những vùng miền khác nhau, những ngành nghề khác nhau, nhưng họ tìm được sự đồng cảm với nhau ở điểm: thủ tục hành chính vẫn còn “hành” là chính.
Ngay trước ngày khai mạc Quốc hội, tại một hội nghị, Thủ tướng cũng chia sẻ với các đại biểu “một tin buồn” là WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới - NV) đánh giá năng lực cạnh tranh của VN giảm mấy bậc so với năm ngoái. VN chỉ đứng thứ 6 trong các nước ASEAN, và Thủ tướng nói “sự chủ quan vẫn là vấn đề chúng ta phải tự kiểm điểm” để khắc phục việc tụt hạng.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra mục tiêu môi trường kinh doanh của VN phải đạt chuẩn ASEAN - 4 và TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, chia sẻ: ông đã chứng kiến lãnh đạo Chính phủ đi khắp tỉnh, thành để chỉ đạo, động viên, nhưng kết cục chúng ta vẫn chỉ xếp thứ 6. TS Hiếu lấy ví dụ, khi làm luật, Quốc hội chỉ quy định vài điều kiện, thì xuống đến các cấp dưới đã được giải nghĩa thành một rừng điều kiện.
Thống kê của TS Cấn Văn Lực, một chuyên gia ngân hàng, cũng cho thấy mới có 12,5% các bộ ngành thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, chưa nói đến các thủ tục cắt giảm cũng chưa phải thực chất. Chưa kể đến việc thực thi luôn rất có vấn đề.
TS Phan Đức Hiếu cho rằng những gì đang được làm hiện nay mới là “cải thiện” chứ chưa phải “cải cách”, mà cái VN cần là cải cách.
Không ai có thể phủ nhận những nỗ lực thời gian qua của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị, nhưng nếu không biến những nỗ lực đó thành hành động của từng cán bộ, công chức, thì đổi mới khó thể đạt yêu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.