Cải thiện chất lượng đậu nành Việt

10/12/2013 03:10 GMT+7

Liên tiếp trong 3 năm qua, cả diện tích và sản lượng đậu nành (đậu tương) đều suy giảm, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này cho thực phẩm, thức ăn chăn nuôi lại gia tăng không ngừng…

 Cải thiện chất lượng đậu nành Việt
Kiểm tra vườn đậu nành mẫu - Ảnh: Q.T

Cụ thể, năm 2012, diện tích đậu nành chỉ còn 127.000 ha, giảm hơn 70.000 ha so với năm 2010; sản lượng giảm hơn 110.000 tấn so với mức 298.700 tấn của năm 2010. Trong khi đó, do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện bình quân mỗi năm các doanh nghiệp (DN) VN phải chi ra khoảng 2 tỉ USD để nhập khẩu các loại lúa mì, ngô, đậu nành và khô dầu đậu nành về chế biến. Năm 2012, VN nhập khẩu 1,29 triệu tấn đậu nành nguyên chất, tăng 26% so với năm 2011 do sức tiêu thụ mạnh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước. Đây là một nghịch lý lâu nay khi VN là nước sản xuất nông nghiệp, đậu nành không phải loại cây trồng quá xa lạ với người Việt.

Theo số liệu thống kê chính thức, đậu nành đang được trồng tại 25 tỉnh thành cả nước, với khoảng 65% tại các khu vực phía bắc và 35% tại các khu vực phía nam. Đầu năm nay, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, diện tích đất quy hoạch chuyên canh đậu nành khoảng 100.000 ha, tận dụng tăng vụ trên đất lúa để năm 2020 diện tích gieo trồng khoảng 350.000 ha, sản lượng 700.000 tấn; vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía bắc, Tây nguyên. Tuy nhiên, quy mô sản xuất đến nay vẫn tương đối nhỏ và không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là năng suất cây trồng còn thấp, chi phí sản xuất lại khá cao và công nghệ thu hoạch vẫn lạc hậu. Các nhà khoa học trong nước cũng đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra giống đậu nành công nghệ sinh học và hiện đại có sản lượng cao hơn và chi phí sản xuất thấp hơn tại một số khu vực, nhưng tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào áp dụng để thực hiện khảo nghiệm loại đậu nành này. 

Xây dựng mô hình chuẩn

Trước thực trạng nói trên, Vinasoy - thành viên của Công ty CP đường Quảng Ngãi - vừa chính thức công bố thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng đậu nành Vinasoy đầu tiên tại VN (gọi tắt là VSAC) với mục tiêu đầu tư chuyên sâu nghiên cứu về đậu nành, phục vụ việc phát triển kinh doanh bền vững. Quy mô hoạt động của VSAC được hoạch định sâu và rộng, từ nghiên cứu phục tráng, lai tạo giống; cải tiến quy trình trồng trọt - cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu đầu vào đến việc nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng hạt đậu nành và công nghệ sản xuất, nhằm chế biến ra các sản phẩm giàu dinh dưỡng phục vụ người tiêu dùng.

Việc ra đời VSAC theo mô hình quốc tế đã đánh dấu bước đi chiến lược của Vinasoy, khẳng định vị thế, trách nhiệm của doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đậu nành. Trong buổi lễ công bố thành lập, VSAC cũng chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với hai đối tác Mỹ. Thông qua sự hợp tác này,  VSAC sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để thực hiện lai tạo ra các giống đậu nành không biến đổi gien có năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành và điều kiện cơ giới hóa.

Chia sẻ về lý do thành lập VSAC, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy, cho biết: “Trong nhiều năm qua, Vinasoy luôn ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu là đậu nành trong nước do chất lượng dinh dưỡng, vị thơm ngon và đảm bảo sự tươi mới cho sản phẩm. Với sự ra đời của VSAC, trong thời gian tới, Vinasoy sẽ tập trung tạo ra mô hình trồng đậu nành chuẩn tại khu vực này, cải thiện cả chất lượng và năng suất vùng nguyên liệu, phục vụ tốt cho sản xuất”.

Quang Thuần 

>> Vị ngọt đậu nành
>> Thay lúa bằng đậu nành, bắp
>> Chỉ còn khoảng 3.000 ha đậu nành
>> “Kết bạn” với máy làm sữa đậu nành
>> Ngừa bệnh gan nhờ đậu nành
>> Đậu nành dùng sao cho tốt?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.