Cải thiện cuộc sống cho nghệ sĩ già neo đơn

18/06/2019 06:19 GMT+7

TP.HCM là nơi duy nhất có khu dưỡng lão dành cho nghệ sĩ sân khấu lớn tuổi, không nơi nương tựa, nhưng hiện đang cần một sự thay đổi lớn để các nghệ sĩ neo đơn của các nghệ thuật khác cũng được nuôi dưỡng chăm sóc...

Với sự chung tay góp sức của Ban Ái hữu nghệ sĩ (Hội Sân khấu TP.HCM) và các đồng nghiệp, khán giả, mạnh thường quân, việc chăm sóc các nghệ sĩ ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ đã được duy trì suốt mấy chục năm nay.

Xuống cấp trầm trọng

Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu tại Q.8 rộng hơn 5.000 m2, nhưng thực chất chỉ có khả năng nuôi dưỡng khoảng 20 người. Lý do là tòa nhà được xây dựng đã lâu, quy mô rất khiêm tốn chỉ với hơn 20 phòng nhỏ dành cho nghệ sĩ. Hiện tòa nhà xuống cấp trầm trọng, tầng lầu không thể sử dụng, khiến 13 người còn lại (vì một số đã qua đời) phải dồn xuống tầng trệt. Hội Sân khấu TP.HCM có ý định sửa chữa, mở rộng tòa nhà nhưng mãi không thực hiện được vì đây chỉ là miếng đất... mượn.
Kinh phí chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày của khu dưỡng lão đều nhờ sự đóng góp của giới nghệ sĩ và mạnh thường quân, không có kinh phí ổn định từ nhà nước. Trong tình hình sân khấu ngày một co cụm, nghệ sĩ ít show nên tài trợ cũng kém đi, Hội Sân khấu thường xuyên phải chạy vạy kiếm thêm mới đủ trang trải. Thỉnh thoảng có vài trăm triệu của nhà nước cho vào dịp lễ tết, hoặc mạnh thường quân ủng hộ cũng phải “bỏ ống” để lo cho những lúc nghệ sĩ bệnh hoạn, ma chay. Người phụ trách khu dưỡng lão, đạo diễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Những dịp lễ tết cũng có nhiều đoàn đến thăm nom tặng quà, nhưng họ thường thích bỏ tiền bao thư cho riêng nghệ sĩ. Viện dưỡng lão vẫn phải tôn trọng, để cho nghệ sĩ xài riêng chứ không sung quỹ chung”.
Do số phòng ở có hạn nên không phải nghệ sĩ sân khấu già yếu nào cũng được duyệt vào ở trong khu dưỡng lão. Hiện tại Ban Ái hữu nghệ sĩ (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) đang hỗ trợ cho 50 nghệ sĩ neo đơn không được duyệt vào Viện dưỡng lão 200.000 đồng và 10 kg gạo hằng tháng, cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với Ban.
Cải thiện cuộc sống cho nghệ sĩ già neo đơn1
Yến Nga tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Rắc rối chuyện hậu sự

Các nghệ sĩ ở trong khu dưỡng lão đều là những ngôi sao nổi tiếng một thời. Mỗi nghệ sĩ qua đời đều để lại sự tiếc nuối trong lòng người hâm mộ, nên đám tang nghệ sĩ nào cũng đông đảo đồng nghiệp và khán giả đến viếng. Tuy nhiên, sự hâm mộ này kéo theo nhiều rắc rối như nhiều người tụ tập thức đêm ca hát, ăn nhậu, xả rác, rất ồn ào, thậm chí có cả xã hội đen đến đòi nợ thân nhân người đã khuất khiến cư dân địa phương phàn nàn.

Khu dưỡng lão cần được tổ chức quy củ, bài bản hơn, và mở cửa đón nhận nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, chứ không thể cục bộ dành cho mỗi nghệ sĩ sân khấu

Ông Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

Khu dưỡng lão chỉ có khả năng thuê một bảo vệ, không thể đủ sức giữ trật tự nên Ban Ái hữu đã ngưng việc tổ chức tang lễ tại đây và đề nghị chuyển lên Chùa Nghệ Sĩ ở Q.Gò Vấp. Thế nhưng, một số người lại bảo xa, khó đi lại, phúng viếng. Hội Sân khấu đang có kế hoạch xây dựng một nhà tang lễ khang trang ngay tại Viện dưỡng lão để đáp ứng nhu cầu của nghệ sĩ và người hâm mộ, tuy nhiên thủ tục địa chính về chủ quyền miếng đất vẫn chưa xong thì nhà tang lễ cũng chưa biết khi nào có thể hoàn thành.

Dứt khoát phải thay đổi

Tình hình này không thể kéo dài được nữa. Bản thân Hội Sân khấu cũng nhận thấy rằng để cưu mang được nhiều nghệ sĩ hơn, để nâng cao chất lượng đời sống của các nghệ sĩ tại khu dưỡng lão thì một mình Hội khó đảm đương nổi, cần huy động các ban ngành khác tham gia.
Khoảng 5 năm trước, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM từng đề nghị sẽ tiếp quản Khu dưỡng lão nghệ sĩ để có tư cách pháp nhân xây lại theo hướng hiện đại, khang trang hơn, và mở rộng đối tượng nuôi dưỡng ra nghệ sĩ các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn học... nhờ đó nguồn tài trợ được huy động cũng rộng lớn hơn do nghệ sĩ ngành nào cũng có đồng nghiệp, người hâm mộ, mạnh thường quân của riêng mình.
Nhưng đề nghị trên vấp phải sự phản đối của các nghệ sĩ sân khấu, họ gửi đơn kiến nghị lên Hội với lý do họ đã... quen sống tại khu dưỡng lão như từ trước đến nay, không muốn sống chung với nhiều thành phần đông đúc. “Ở đây ai nấy một phòng, không ai chịu ở chung với ai. Ăn cơm cũng phải múc riêng mỗi người một gà mên, chứ không chịu ăn chung trong phòng ăn”, soạn giả Đức Hiền, người phụ trách Khu dưỡng lão nhiệm kỳ trước kể. Chính lối sống này đã gây trở ngại lớn cho những nỗ lực thay đổi của Hội Sân khấu và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Vấn đề an táng cũng phải thay đổi. Một thành viên Ban Ái hữu cho rằng hình thức hỏa táng là lựa chọn hợp lý. Nghệ sĩ buộc phải chấp nhận điều này khi quỹ đất đã cạn kiệt. Tro cốt được đưa về thờ tại chùa Nghệ Sĩ, được cúng kiếng khang trang sạch sẽ thì cũng thỏa lòng người đến viếng.
Ông Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Hội đã kiến nghị Sở LĐ-TB-XH rồi, sắp tới dứt khoát giao khu dưỡng lão cho Sở để Sở đủ tư cách pháp nhân và lực lượng để phát triển khu dưỡng lão. Mấy chục năm qua khu dưỡng lão đã hoàn thành nhiệm vụ, nay thời thế đã khác thì phải tính cách khác. Khu dưỡng lão cần được tổ chức quy củ, bài bản hơn, và mở cửa đón nhận nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, chứ không thể cục bộ dành cho mỗi nghệ sĩ sân khấu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.