Cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả

05/01/2021 06:19 GMT+7

Chính phủ đã giao VCCI tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh ...

Trả lời câu hỏi có những công cụ nào để đánh giá, lượng hóa việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng toàn bộ công cụ đánh giá dựa trên nền tảng đánh giá rất thông minh của tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức các nước phát triển OECD.
“Ví dụ nói tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho một thủ tục là có công thức trên cơ sở tiết kiệm ngày công, được các tổ chức quốc tế giúp chúng ta tính toán, lượng hóa chứ không phải tự chúng ta nghĩ ra”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng, chúng ta cũng có các đơn vị như Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cùng với các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội cũng có thêm nhiều công cụ đánh giá sao cho thực chất, hiệu quả.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, để “tạo sức ép” cho việc cải cách thực chất, nhất là trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, thì hằng năm, soi chiếu vào bộ tiêu chí xếp hạng Doing Business của WB, không chỉ VCCI mà Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư cũng có những đánh giá độc lập.
“Một số bộ ngành, ngành cũng cùng chúng tôi phối hợp, tìm hiểu cách chấm điểm, đánh giá của WB cho từng chỉ số liên quan đến ngành mình để từ đó tập trung vào cải cách cho trúng, nhằm tăng điểm trên bảng chỉ số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy sức ép cải cách tự thân là rất lớn, rất tốt”, ông Đức nói và cho biết thêm, không chỉ có đánh giá hằng năm mà tổ chức này đang ấp ủ có một đánh giá cho cả nhiệm kỳ về những kết quả trong nỗ lực cải cách điều kiện kinh doanh.
Nhận xét về những thông điệp, những giải pháp mà Chính phủ lựa chọn để “đột phá” trong 2 nghị quyết này, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định: Việc các nghị quyết liên tục lật đi lật lại vấn đề thể chế cho thấy Thủ tướng, Chính phủ rất kiên định với việc coi đây là cải cách trọng tâm, không dừng lại.
Ngoài ra, theo PGS-TS Ngô Trí Long, câu chuyện thể chế, quy định cần minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng là điều “không bao giờ cũ” bởi vấn đề “vận dụng” pháp luật, phụ thuộc lớn vào cách hiểu của lực lượng thực thi công vụ vẫn đang là câu chuyện khiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân bức xúc, cũng là nguồn cơn gây nên các chi phí bôi trơn, tham nhũng vặt. “Đó cũng là điểm nghẽn mà chúng ta phải tiếp tục tập trung, dành nguồn lực, thời gian để tháo gỡ”, ông Long bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.