2% hay 12% số hộ phải trả tiền điện cao hơn?
Một trong những thông tin được nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ mới đây về phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc, là sẽ giúp 98% số hộ sử dụng điện trả tiền điện thấp hơn. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, phương án rút bậc giá điện sinh hoạt từ 6 xuống 5 giúp các hộ dùng điện dưới 710 kWh/tháng, tức khoảng 98% số hộ dùng điện, trả ít tiền điện hơn.
Ngược lại, với những hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh/tháng (chiếm khoảng 2% số hộ, tương đương khoảng 558.000 hộ), tiền điện sẽ tăng khi thay biểu giá. Theo Bộ Công thương, việc ghép các bậc lại với nhau trong tính giá điện sinh hoạt nhằm tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, phản ánh đúng tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm. Đặc biệt, hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao hơn trong những tháng đổi mùa, sử dụng nhiều.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện". Như vậy, với bậc mới sẽ giúp tính toán dễ hơn, sát thực tế hơn, song đổi lại có hơn 500.000 hộ phải trả tiền điện hằng tháng cao hơn.
Nếu so sánh tiền điện hằng tháng theo quy định 6 bậc hiện hành và phương án 5 bậc như đề xuất thì hộ sử dụng dưới 400 kWh/tháng mới hưởng lợi, còn từ 401 kWh/tháng trở lên phải đóng tiền điện cao hơn so với cách tính hiện hành. Cụ thể, hộ sử dụng 300 kWh theo 6 bậc trả 673.200 đồng, theo 5 bậc phải trả 670.200 đồng. Tuy nhiên, dùng 400 kWh thì theo 5 bậc phải trả cao hơn gần 17.000 đồng so với 6 bậc hiện hành. Tương tự, dùng 500 kWh/tháng trả cao hơn gần 27.000 đồng; 600 kWh/tháng trả cao hơn 37.000 đồng; 700 kWh/tháng trả cao hơn 46.000 đồng và 800 kWh/tháng trả cao hơn gần 93.000 đồng. Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đáng nói, trong khi báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vào cuối tháng 9 cho thấy có đến 12% số hộ sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên sẽ bị ảnh hưởng, phải trả giá tiền cao hơn so với hiện tại. Theo cơ cấu sử dụng điện dân dụng tháng 9.2023 đối với số hộ sử dụng từ 0 - 50 kWh là 11,14%, hộ sử dụng từ 51 - 100 kWh là 15,15%, hộ sử dụng bậc 3 từ 101 - 200 kWh là hơn 34%, hộ sử dụng điện bậc 4 hơn 201 - 300 kWh, chiếm 18,64%, hộ sử dụng điện bậc 5 từ 301- 400 kWh/tháng là 9,16% và hộ sử dụng điện bậc 6 từ 401 kWh trở lên là 11,83%. Như vậy, nếu áp dụng điện thang 5 bậc, sẽ có khoảng 88% số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh/tháng được hưởng lợi, giảm giá. Trong khi sẽ có gần 12% hộ (tương đương khoảng 3,35 triệu hộ) sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên sẽ bị ảnh hưởng, trả giá tiền cao hơn so với hiện tại.
Như vậy, vấn đề sẽ có 2% hay 12% số hộ phải trả tiền điện cao hơn cần có câu trả lời chính xác từ phía cơ quan quản lý.
Cải tiến bậc thang phải bảo đảm công bằng
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng phương án tính tiền điện mới sẽ luôn ưu việt hơn phương án cũ và thiên về hướng có lợi cho người dân. Hoặc chí ít cách cải tiến các bậc cũng khiến hộ gia đình trả tiền điện như cách tính theo bậc cũ, chỉ khác là dễ tính hơn, gọn hơn và sát thực tế hơn khi gộp bậc 1 và 2 vào chung thành một bậc. Song với những số liệu nói trên cho thấy cách tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc mới vẫn khiến một bộ phận hộ gia đình chịu thiệt, phải bù chéo giá điện cho hộ khác.
Chuyên gia tài chính, TS Bùi Trinh cho rằng thường một phương án mới mang tính cải tiến phải tối ưu hơn phương án cũ thì cơ quan quản lý mới cất công soạn thảo, lấy ý kiến, nâng lên đặt xuống để ban hành. Mục đích là phải bảo đảm công bằng xã hội, có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp. Với ngành điện thì còn có thêm mục đích tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo. Tuy vậy, nếu cải tiến lại khiến hàng triệu hộ gia đình phải trả tiền điện cao hơn là chưa công bằng. Vô hình trung đưa chính sách lấy tiền hộ dùng nhiều điện bù cho hộ dùng ít điện. Trong thực tế, hộ dùng nhiều điện có thể do con đông, nhiều thành viên... chứ chưa hẳn giàu hơn hộ dùng ít điện chỉ có 1-2 thành viên.
"Nền kinh tế đang cực kỳ khó khăn. Thu nhập người dân giảm, giá cả hàng hóa tăng. Doanh nghiệp khó khăn trăm bề. Nền kinh tế nay không lo lạm phát mà là nguy cơ thiểu phát, một tình trạng trái ngược hoàn toàn với lạm phát nhưng vẫn rất nguy hiểm, khiến sản xuất không sôi động, sức tiêu thụ nội địa không tăng do luồng cung tiền tệ giảm, trong khi xuất khẩu kém. Thế nên, hơn lúc nào hết, lúc này là lúc phải phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực điện, xăng dầu. Cách tính giá điện theo bậc thì quá dễ, 5 hay 6 bậc không quan trọng trong lúc này. Vấn đề là tính thế nào để hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp mới quan trọng".
GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, ủng hộ quan điểm xây dựng chính sách giá bán lẻ điện theo bậc thang, nhằm có sự điều tiết trong giá bán điện cho người dân thuộc các thành phần khác nhau. Quan trọng là hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách. Ông cũng băn khoăn khi điều chỉnh bậc lại khiến bộ phận không nhỏ phải trả tiền điện cao hơn.
GS Trần Đình Long nói về nguyên tắc, số bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt càng ít thì càng tốt cho người tiêu dùng, bởi giúp người sử dụng điện tiến gần hơn việc trả tiền đúng nhu cầu sử dụng của mình. Tuy nhiên, khi rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc lại có cả triệu hộ gia đình phải trả tiền điện cao hơn là chưa công bằng. Tính bất cập trong biểu giá điện hiện nay và sắp cải tiến 5 bậc trong thời gian tới là không giải quyết được bài toán công bằng cho mỗi người dân sử dụng điện. Hiện tại, nước sinh hoạt đang tính theo đầu người, theo từng nhân khẩu. Ai có mã số định danh, đăng ký là được cấp bao nhiêu khối nước theo mức giá thấp nhất, nếu sử dụng cao hơn số đó thì tính lũy tiến lên. Tại sao giá điện sinh hoạt chúng ta không áp dụng theo tính nhân khẩu như vậy?
GS Trần Đình Long đặt vấn đề. Ví dụ, mỗi người trung bình 1 tháng dùng 50 kWh điện, nếu cao hơn số đó thì tính giá lũy tiến. "Ở đây chúng ta tính theo hộ, nên về bản chất khó bảo đảm tính công bằng, chính xác. Cách tính giá điện lũy tiến theo từng nhân khẩu cũng có mục đích sử dụng điện tiết kiệm, bởi dùng nhiều thì trả tiền lũy tiến cao hơn. Chỉ khác là chính sách về giá điện chúng ta thu sát sườn, sát thực tế và công bằng hơn", GS Trần Đình Long chia sẻ.
Bộ Công thương cần thay đổi chính sách về giá điện theo hướng dễ tính, tiệm cận nhu cầu người dân, nhưng không khiến hộ gia đình tăng chi phí điện lúc này nữa. Năm nay giá điện bình quân đã tăng 2 lần, nếu nay điều chỉnh bậc lại khiến mấy triệu hộ trả cao hơn, có nghĩa số này đang bị tăng giá điện lên 3 lần.
TS Bùi Trinh
Bình luận (0)