Với luật Đất đai 2013, câu chuyện phát sinh hiện nay lại bắt đầu từ việc thay đổi thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng chậm trễ giải quyết các thủ tục hành chính trong việc cấp sổ đỏ. Quả thật có những lý do liên quan đến thái độ gây khó dễ của cán bộ giải quyết (để hòng có được chút “lót tay”), nhưng cũng có lý do không thể phủ nhận, đó là sự quá tải về số lượng hồ sơ xin cấp sổ lần đầu và chứng nhận các giao dịch, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM (Đi làm sổ đỏ quá khổ! đăng trên Thanh Niên ngày 15.8).
Trong lịch sử, việc cấp sổ đỏ đều do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký (cả cấp lần đầu và sang tên đổi chủ). Quá tải phát sinh khi việc hợp thức hóa và giao dịch đất đai gia tăng. Luật Đất đai 2003, lần đầu phân cấp về cấp quận, huyện và thành lập các văn phòng đăng ký nhà đất (trực thuộc sở TN-MT), với ý tưởng, các văn phòng này sẽ thực hiện mọi vấn đề liên quan đến giao dịch nhà đất (bao gồm cả ký chứng nhận sang tên đổi chủ).
Thế nhưng luật Đất đai 2013 đã co lại, giao thẩm quyền ký sổ đỏ cho giám đốc sở TN-MT, văn phòng đăng ký nhà đất (văn phòng một cấp) là nơi thụ lý hồ sơ. Ngay khi bàn sửa luật năm 2013, Báo Thanh Niên đã cảnh báo về việc này, rằng nó sẽ gây ra tình trạng quá tải tương tự như thời “mọi con đường đều dẫn đến chủ tịch tỉnh” trước đây.
Nhưng tư duy “phải là cơ quan hành chính” mới đủ chuyên môn thẩm định đã thắng thế. Mọi hồ sơ cấp sổ đỏ đều phải chờ ông giám đốc sở TN-MT ký đóng dấu. Chỉ riêng phần này cũng đã đủ mất thời gian không đáng. Trong khi đó, đa số các nước, cơ quan hành chính nhà nước chỉ cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) lần đầu, khi phát sinh giao dịch chỉ cần đến đăng ký tại các văn phòng đăng ký nhà đất.
VN thì sao? Hiện tại đã ghi nhận những bất cập trong trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp sổ đỏ như đã thấy, tưởng cải tiến hóa cải lùi. Phòng Thương mại -Công nghiệp VN mới đây đã bắt đầu kiến nghị sửa đổi luật Đất đai 2013. Nên trao quyền ký cấp sổ đỏ cho văn phòng đăng ký nhà đất, có phân cấp cho các chi nhánh (đối với các giao dịch). Nhà nước kiểm soát bằng các quy định luật pháp: ai ký sai phải bỏ tiền túi ra đền.
Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, đã đến lúc nhà nước cần có những nghiên cứu khoa học, nghiêm túc chỉ ra những việc nhà nước nên làm, việc gì không nên làm nhằm cải tổ nền hành chính quốc gia, giảm những bức xúc, phiền hà về thủ tục hành chính.
Bình luận (0)