Cạm bẫy chực chờ người Việt nhập cư lậu vào Anh

27/10/2019 08:00 GMT+7

Từ nhiều năm nay, các nhà chức trách Anh đã cảnh báo về tình trạng “nô lệ thời hiện đại” đối với người nhập cư lậu, trong đó có người Việt , vốn là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Truyền thông Anh đã nhiều lần đưa tin về những vụ việc thương tâm khi hàng trăm người Việt bị đưa lậu sang nước này rồi phải sống trong cảnh bị bóc lột và luôn sợ hãi. Con đường tới với miền đất hứa không trải đầy hoa hồng như lời đường mật của những kẻ buôn người. Lời cảnh tỉnh đã có từ lâu nhưng vẫn còn quá nhiều người nhẹ dạ cả tin.

Mong đổi đời

Theo một báo cáo mới đây được Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC) của chính phủ Anh công bố, VN là một trong 3 nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Số liệu mà các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Anh ghi nhận được cho thấy mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư lậu vào nước này theo hành trình xuyên quốc gia của đường dây buôn người. Hồi năm 2017, lãnh đạo IASC khi đó là ông Kevin Hyland cho biết việc đưa lậu người vào Anh là một “ngành kinh doanh lớn”. Để quảng cáo, các đường dây buôn người nhắm đến người Việt đã vẽ ra bức tranh về cái gọi là “việc nhẹ lương cao” và “cuộc sống vương giả” khi họ được đưa đến trời Âu.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của con mồi, chúng ra các mức giá khác nhau, theo IASC. Nếu chấp nhận bỏ ra 33.000 bảng (gần 1 tỉ đồng), con đường sang Anh sẽ ngắn nhất và ít rủi ro nhất. Với những người chọn mức giá “phổ thông”, từ 10.000 - 20.000 bảng (khoảng 300 - 600 triệu đồng), họ sẽ phải trải qua hành trình kéo dài nhiều tháng “quá cảnh” qua nhiều nước như Nga, CH Czech, Hungary, Đức, CH Ireland và Pháp trước khi vào được Anh.
Những người muốn đổi đời tìm đủ cách xoay xở tiền để được ra nước ngoài, thậm chí vay nặng lãi từ chính những kẻ buôn người. Họ tin rằng một khi sang được Anh làm việc, họ sẽ nhanh chóng trả xong nợ và gửi nhiều tiền về nhà. Một người Việt không được nêu tên chia sẻ với IASC rằng cô được hứa hẹn sẽ có cuộc sống như bà hoàng ở Anh với đồ ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhàn hạ, lương cao. Tin những lời mật ngọt đó, cô nộp 19.000 bảng nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi.
Bên cạnh những người tự nguyện còn có nhiều nạn nhân, nhất là trẻ em ở các vùng quê nghèo, bị lừa. Những đứa trẻ này bị bọn buôn người dụ dỗ, thậm chí bắt cóc để đưa đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Reuters từng dẫn lời luật sư Philippa Southwell - người nhận rất nhiều vụ liên quan đến nạn nhân buôn người ở Anh, cho biết bọn tội phạm thường bắt trẻ em Việt ngủ trong thùng xe tải, đi bộ hàng ngàn cây số, băng rừng, vượt biển trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời để đến Anh.

Nô lệ thời hiện đại

Chuyến hành trình vốn đã quá bấp bênh, nhưng khi tới miền đất hứa nhiều người Việt mới “vỡ mộng”, chịu sự bóc lột, thậm chí sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại. Các báo cáo của Anh nhiều năm qua nêu rõ người Việt được đưa lậu vào nước này hầu hết làm công việc lao động chân tay như ở tiệm làm móng, trại trồng cần sa và thậm chí cả mại dâm. Theo tờ The Guardian, một nhân viên làm móng cho biết phải lao động từ sáng đến tối cả 7 ngày trong tuần nhưng chỉ được trả 30 bảng/tuần (khoảng 900.000 đồng). Một số người còn không được giữ số tiền ít ỏi đó mà bị những kẻ buôn người trấn lột. Họ phải sống khép kín theo sự sắp xếp của chủ tiệm. Một mặt họ biết mình đến Anh bất hợp pháp nên thay vì cầu cứu thì họ sợ bị cảnh sát phát hiện và chịu đựng sự bóc lột. Mặt khác, một số người còn không nhận ra mình là nạn nhân của những kẻ buôn người vì nghĩ rằng chính họ lựa chọn nên phải trả tiền.
Trong khi đó, nhiều trẻ em bị lừa sang Anh rồi bị ép trông nom vườn cần sa hay “bóng ma” theo cách gọi của những kẻ buôn người. Chúng sống trong sợ hãi, bị cách ly với thế giới bên ngoài và không được trả lương. Một báo cáo từ cuộc điều tra của Trung tâm chống lạm dụng trẻ em và bảo vệ trực tuyến của Anh (CEOP) trước đây cũng đã phanh phui mối liên hệ mật thiết giữa các trang trại cần sa và tiệm làm móng, theo tờ The Sunday Times.
Cũng chính bởi đường dây tội phạm nguy hiểm như vậy nên những trường hợp được giải cứu sợ hãi không dám khai. Thêm vào đó, giới chức trách Anh thường xếp họ vào diện nhập cư lậu và tội phạm thay vì là nạn nhân buôn người nên không có nhiều biện pháp bảo vệ hiệu quả. Các tổ chức hoạt động chỉ ra rằng, nhiều người từng được giải cứu trong nơi trồng cần sa này nhưng không lâu sau lại bị chính những kẻ buôn người đưa vào một nơi trồng cần sa khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.