Bát nháo
Sau vài ngày tham khảo thông tin ở nhiều tờ rơi, Đ.T.Thùy Anh, SV trường ĐH Lao động xã hội Hà Nội chọn cho mình công việc trực điện thoại văn phòng với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Ngày 16.10, Thùy Anh hí hửng tới một công ty trên đường Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, Hà Nội nộp hồ sơ. Sau khi đóng 390 ngàn đồng lệ phí cho công ty, Thùy Anh được giới thiệu qua một đại lý bán vé máy bay. Tại đây, cô phải đóng thêm 100 ngàn đồng "phí làm thẻ nhân viên" và được giao tập tài liệu dày 50 trang về nhà học trong 10 ngày cho "hiểu" về công việc. Kết quả, Thùy Anh đã "rớt" ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Trở lại công ty xin việc, thay vì hoàn trả lại 50% phí hồ sơ như trong hợp đồng thì công ty này "hứa" sẽ tìm cho Thùy Anh một công việc khác. Thêm nhiều cuộc hẹn, nhiều lần lên xuống cuối cùng Thùy Anh phải cay đắng mất tiền mà không được việc.
Đầu tháng 11.2008, theo lời giới thiệu đảm bảo uy tín của một SV cùng lớp, Hoàng Thị Liên (trường ĐH Lao động xã hội Hà Nội) tới một trung tâm giới thiệu việc làm ở phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội xin làm tư vấn qua điện thoại. Tại đây Liên phải bỏ ra 350 ngàn đồng gồm phí hồ sơ, phí làm thẻ nhân viên, phí đào tạo. Tuy nhiên cho tới nay sau hơn 1 tháng cô vẫn không được nhận việc.
Một cơ sở làm thêm khiến nhiều sinh viên than phiền - Ảnh: Hải Yến |
Chiêu dụ
Chúng tôi tới một công ty ở Q.Cầu Giấy, thực chất nơi đây chỉ là một căn phòng nhỏ, bên trong kê 3 bàn làm việc với vài nhân viên tư vấn. Mặc dù có ghi rõ trong tờ rơi là: "không thu phí hồ sơ" tuy nhiên khi chúng tôi chỉ vào công việc dán áp-phích với mức lương 750 ngàn đồng/tháng, nhân viên yêu cầu nộp 400 ngàn đồng và giải thích "thu tiền đặt cọc để đề phòng SV bỏ việc giữa chừng. Trong thời gian ba tháng nếu làm tốt thì sẽ được hoàn trả lại". Song, trên thực tế có bao nhiêu phần trăm SV được hoàn trả lại số tiền đặt cọc này?
Lần theo địa chỉ trong một tờ rơi khác có thông tin hấp dẫn: "nhận tiền ngay trong ngày, đi làm ngay, địa chỉ liên hệ việc làm uy tín, đảm bảo tuyệt đối 100%, ưu tiên SV làm thêm, hỗ trợ SV thêm thu nhập"..., chúng tôi tham gia vào vòng "sơ tuyển" để có "chân" tặng sản phẩm miễn phí cho một hãng nước hoa, dầu gội. Sau khi nộp xong 30 ngàn đồng phí hồ sơ, chúng tôi đến dự vòng "duyệt ngoại hình". Yêu cầu đối với SV nữ là cao 1,62 mét, ai dưới mức đó coi như đen đủi vì vừa không được nhận vừa mất toi tiền hồ sơ. Trung bình một ngày trung tâm này hút khoảng 50 SV tìm đến "dự tuyển" nhưng chỉ có một đến hai người được nhận.
Lợi dụng nhu cầu cần việc làm thêm trong dịp Tết và nhất là đối với những tân SV từ quê lên thành phố học chưa có kinh nghiệm lại nhẹ dạ, cả tin, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm hằng ngày vẫn bỏ vào túi mình một khoản tiền không nhỏ. Những trung tâm này sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau: thu phí hồ sơ, phí đào tạo, phí đặt cọc và các loại phí khác nhằm moi tiền SV. Nhiều nơi còn đưa ra hàng loạt các công việc "ma" làm mồi nhử để ngang nhiên móc túi.
Còn đối với SV sau khi lỡ nộp một khoản tiền khá cao để được nhận việc, lúc này nếu không muốn mất trắng thì họ đành phải chấp nhận làm theo sắp xếp của trung tâm với mức lương bèo bọt. Đã có không ít SV "mất cả chì lẫn chài". Chiêu thức người ta thường sử dụng là đùn đẩy trách nhiệm trả lương cho nhau theo kiểu: "Đây chỉ là một chi nhánh nhỏ, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm tuyển nhân viên, muốn lĩnh lương phải qua "công ty mẹ"". Nhưng "công ty mẹ" nằm ở đâu thì chỉ có... trời mới biết. Do không được làm hợp đồng lao động nên có không ít SV phải chịu trắng tay. Nhiều SV lên tiếng thì bị dọa sẽ "xử" bằng luật giang hồ nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Hải Yến
Bình luận (0)