Cấm cản trở phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca

29/03/2022 05:58 GMT+7

Sáng 28.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách diễn ra trong hai ngày 28 - 29.3. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay đây là hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách đầu tiên của khóa XV, nhằm cho ý kiến về 4 dự án luật, gồm: luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ, luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), luật Điện ảnh (sửa đổi), luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022). Chủ tịch Quốc hội cũng nêu các nội dung đề nghị ĐB tập trung thảo luận trong 4 dự thảo luật.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 28.3

Gia Hân

Về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ thảo luận sáng 28.3, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐB tập trung thảo luận vào các nội dung, gồm: việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; việc bổ sung quy định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca…

Liên quan việc bổ sung quy định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021), Chính phủ có báo cáo đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định rõ: “tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca”.

Nêu ý kiến, ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) đồng tình bổ sung quy định này vào dự thảo luật. Theo ĐB Nam, vừa qua, có một số vụ việc như việc ngắt tiếng khi phát quốc ca trên Facebook, YouTube, hay trang thương mại điện tử đăng bán thảm chùi chân có hình quốc kỳ VN… khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, cần có giải pháp khắc phục. Do đó, việc bổ sung quy định, theo ĐB Nam, là cần thiết. Còn ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cũng băn khoăn về những vấn đề đặt ra khi trong một giải thi đấu thể thao mà quốc ca lại bị ngắt, khán giả không được nghe. “Rà soát lại các văn bản pháp luật thì thấy có vấn đề khá lớn. Đó là hiện chưa có văn bản nào quy định việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, ta phải trích văn bản từ năm 1957”, ĐB Long nêu và đề xuất, dự thảo luật cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này.

Trong khi đó, thảo luận về dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi vào chiều 28.3, nhiều ĐB đề nghị không nên quy định “cứng” về tiêu chuẩn thời gian tại ngũ đối với người được tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (1 năm liên tục đối với liệt sĩ, 2 năm với trường hợp khác - PV). Theo ĐB Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc quy định cứng về thời gian tại ngũ khiến nhiều liệt sĩ không được tặng danh hiệu này và đề nghị có quy định riêng cho trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn. Bên cạnh đó, ĐB Vũ Trọng Kim, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu thanh niên xung phong VN, đề nghị khen thưởng danh hiệu này cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian “liên tục ít nhất là 1 năm” và không chỉ với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà cả ở biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Còn với thanh niên xung phong đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ thì không quy định thời gian vì đã là liệt sĩ thì “không tính tháng, tính ngày nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.