Theo ông Phan Xuân Dũng, dự Luật lần này đã bổ sung, chỉnh sửa quy định khuyến khích chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội cũng như văn hóa của Việt Nam; đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng hiệu suất cao; công nghệ tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng…
Về các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao, ông Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, nhằm kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể về công nghệ khuyến khích chuyển giao; công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao.
Theo đó, dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất, dự luật quy định Chính phủ quy định cụ thể các danh mục công nghệ này.
Đối với ý kiến cần đặc biệt kiểm soát máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, dự luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam các công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp. Dự Luật bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, Ủy ban TVQH cho biết, có ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả các dự án; thẩm định các dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỉ đồng... quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ…
Theo Ủy ban TVQH, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng, vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu và Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật...
Do đó, Ủy ban TVQH cho rằng, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.
tin liên quan
Nỗi lo công nghệ lạc hậu tràn vào VNKim ngạch nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc đang tăng mạnh, tạo ra sự lo ngại cần thiết.
Bổ sung quy định giám sát công nghệ trong dự án đầu tư
Đối với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, ông Phan Xuân Dũng cho hay dự Luật đã bổ sung quy định kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN định kỳ, đột xuất hoặc khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng và CGCN kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
“Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng”, ông Dũng cho biết.
Liên quan đến các quy định của luật Đầu tư năm 2014 được cho là chưa tạo điều kiện cho việc thẩm định công nghệ, Ủy ban TVQH cho rằng việc thẩm định công nghệ phải tuân thủ các quy định của luật Đầu tư và các quan điểm chỉ đạo về việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh, giảm thiểu thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do yêu cầu phải kiểm soát được chuyển giao công nghệ do đó quy định về thời gian thẩm định công nghệ phải phù hợp với luật Đầu tư.
Tuy nhiên, đối với các dự án có công nghệ phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì cần có thời gian thẩm định nhiều hơn, có trường hợp phải thuê chuyên gia nước ngoài. Do đó, dự luật đã quy định đối với dự án có công nghệ loại này thì thời gian thẩm định công nghệ được phép kéo dài gấp 2 lần so với dự án thông thường.
Bình luận (0)