Cấm công chức mặc quần jean, áo thun ở Cần Thơ: Người trẻ nói gì?

Một khảo sát nhỏ của PV Thanh Niên với 25 người trẻ ở nhiều nơi đã cho ra kết quả: 100% ý kiến đều không đồng tình với quy định công chức không được mặc quần jeans và áo thun đi làm.

“Mình quê ở Cần Thơ. Nay vô tình đọc được thông tin quy định cấm quần jeans ở công sở ở quê mình mà… hết hồn. Mình nghĩ với quy định này, chắc ai muốn làm công chức ở Cần Thơ sẽ phải cân nhắc lại quá. Riêng mình, nếu quy định này tồn tại, thì sẽ không bao giờ xin làm việc ở một cơ quan, đơn vị khối nhà nước nào ở địa phương đâu”, Trần Văn Thiện, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết.
Theo Thiện, quy định này là… vớ vẩn và không hợp lý. “Công chức chỉ cần làm việc có tâm, hết lòng vì dân là đủ. Chứ không mặc quần jeans, áo thun đi làm, mà làm việc vô tâm, hời hợt liệu có xứng đáng là người công chức không? Ngược lại, nếu mặc quần jeans, áo thun đi làm, hết lòng vì người dân, hết lòng vì công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì đó mới là một công chức mẫu mực”, Thiện lý giải.

tin liên quan

Cử nhân chạy xe ôm
Đội ngũ chạy xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề.
Không riêng Thiện, nhiều người trẻ cũng đồng tình quan điểm: đây là quy định không cần thiết và quá cứng nhắc.
“Mình không muốn làm công chức ở Cần Thơ đâu, vì sợ… không được mặc quần jeans và áo thun đi làm”, Huỳnh Ngọc Phong, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết.
Chàng SV này nói thêm: “Việc ăn mặc là nhu cầu cá nhân của mỗi người. Miễn sao ăn mặc kín đáo, lịch sự và không vi phạm thuần phong mỹ tục VN là được rồi. Cớ sao phải có quy định cứng nhắc và bảo thủ đến thế. Bản thân tôi không đồng tình với quy định này”.
Tương tự, Nguyễn Thị Huệ, SV Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: “Thấy quy định này hơi kỳ quặc. Chuyện ăn mặc không nói lên bản tính con người. Thay vì đưa ra quy định này thì nên khuyến khích công chức hãy thay đổi về suy nghĩ, thái độ làm việc... để phục vụ, giải quyết các vấn đề cho người dân nhanh chóng hơn”. Cũng theo nữ sinh này thì đã từng chứng kiến vô số công chức kể cả ở TP.HCM lẫn ở quê là tỉnh Bình Định, dù mặc quần jeans, áo thun nhưng làm việc có tâm, để lại ấn tượng.
Một cán bộ của Trung tâm quản lý và phát triển Khu đô thị ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Bản thân tôi đi làm có khi cũng mặc quần jeans và áo thun. Mỗi lần như vậy thấy bản thân mình năng động. Tùy vào công việc mỗi ngày mà có thể lựa chọn những trang phục khác nhau. Những ngày hội họp thì ăn mặc chỉnh tề hơn. Nói chung là ăn mặc lịch thiệp, trang trọng, thể hiện sự tôn trọng người khác”. Người này cũng nói thêm: “Tôi cho rằng quy định ở Cần Thơ là không phù hợp”.
Bầu chọn
Bạn đồng tình với quy định công chức không được mặc quần jeans, áo thun đi làm ở TP.Cần Thơ?
Có bạn trẻ dựa vào chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ, nói về quy định cấm quần jeans ở công sở: “Không cho cán bộ mặc quần jeans đi làm vì nó có nguồn gốc là trang phục của dân lao động, chăn bò, chăn cừu” và “Vì nó xuất phát từ các nước Tây âu, nó không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam nói chung, trong đó có TP.Cần Thơ” để phản bác: “Cách giải thích này là không thể chấp nhận được. Liệu ông giám đốc Sở Nội vụ có nghiên cứu nguồn gốc, lịch sử xuất xứ của những loại trang phục khác như: áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở, comple, áo có tay… chưa?”, Huỳnh Phan Vũ, nhân viên một công ty điện tử ở Q.3, TP.HCM, nói.
Cũng có ý kiến dự đoán: “Có lẽ nhiều người làm việc ở Sở Nội vụ Cần Thơ – cơ quan tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ ban hành quy tắc ứng xử đối với tất cả cán bộ công chức của TP.Cần Thơ – không thích mặc quần jeans và áo thun nên mới nghĩ ra quy định này”.
Ngoài ra, ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Ba: “Hiện nay, xu thế của cán bộ công chức là ăn mặc hài hoà, lịch sự, đẹp, tạo sự ấn tượng trang trọng về hình ảnh của cán bộ công chức. Còn áo thun, quần jeans thì nhiều khi màu mè không đẹp” cũng được mọi người đem ra bàn tán, mổ xẻ. Văn Thiện cho rằng: “Thử đề nghị vị giám đốc này phân tích thế nào là đẹp và không đẹp. Mỗi người có cái nhìn đẹp và không đẹp khác nhau. Không thể áp đặt và đưa ra quy định khắt khe như thế được”.

tin liên quan

Cô gái lừa cưới 4 chồng trong một tháng
Vẫn còn lâng lâng hạnh phúc vì cưới được vợ, anh Weechit ở tỉnh Pathum Thani, tiếp giáp thủ đô Bangkok của Thái Lan, bàng hoàng phát hiện cô dâu đã biến mất cùng của hồi môn cùng số tiền anh vay ngân hàng để làm sính lễ. 
Một cán bộ công chức trẻ đang làm việc tại TP.Cần Thơ thú thật: “Nếu quy định được ban hành thì công chức như mình bắt buộc phải thực hiện theo. Tuy nhiên, mình cho rằng đây là quy định gây tranh cãi. Bản thân mình không đồng tình quy định này. Không thể từ ý kiến của vài người để rồi soạn ra một quy định bắt buộc nhiều người tuân thủ theo. Nếu được tự do lựa chọn trang phục đi làm sẽ giúp mọi người thoải mái hơn, làm nâng cao hiệu suất làm việc tốt hơn. Chứ bây giờ, với quy định này, cảm thấy bị gò bó, lo sợ bị khiển trách, phạt”.
Một bạn nữ đang là Cán bộ trường Đại học ở Cần Thơ:
Tôi thấy đã quy định: Nam: áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu. Nữ: áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở, comple, áo có tay. Sau đó lại them câu: “không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ)” là thừa. Vì cơ bản cán bộ, công nhân viên không chỉ riêng khối nhà nước mà ở tất cả các cơ quan từ công sở đến trường học dường như đều có quy định ăn mặc. Riêng cá nhân tôi làm ở khối văn phòng tại một môi trường sư phạm, tiếp xúc nhiều với sinh viên, phụ huynh nhưng cũng chỉ cần quy định trang phục “lịch sự, kín đáo, trang trọng”. Từ đó mình tự biết chọn quần, áo gì cho phù hợp và đẹp cũng như thoả mái cho mình. Tôi vẫn hay mặc quần jeans loại có màu tối như xanh, đen, không cách điệu, không wax màu đi kèm với áo sơ mi trắng hay áo truyền thống của Đoàn Thanh Niên. Những chuyện như ăn mặc, ngoài quy định đồng phục thì ai cũng như ai, chỉ cần đưa ra một quy chuẩn chung để mọi người phát huy tinh thần tự giác sẽ hay hơn là quy định cấm cản đến từng chi tiết.
Võ Huy Thăng, SV năm cuối đại học Cần Thơ
Khi xem video ông Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ trả lời về lý do không cho cán bộ, công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm vì nó có nguồn gốc từ Châu Âu của dân lao động, chăn bò, chăn cừu, tôi có cảm giác đó là những định kiến cá nhân. Tiêu chuẩn cái đẹp không thể do người nào quy định được mà mỗi người có một quy chuẩn riêng. Tất nhiên việc đưa ra quy chuẩn không phải sai, tôi vẫn ủng hộ chuyện công sở phải trang nghiêm, lịch thiệp. Còn mỗi cơ quan cũng đều có quy định riêng rồi. Những nếu như cấm tất cả các loại quần jeans, áo thun thì cũng hơi vô lý. Ví dụ phóng viên nhà báo địa phương chẳng hạn, họ cũng là công chức, mỗi khi đi ra hiện trường tác nghiệp chẳng lẽ lúc nào cũng phải quần tây, áo sơ mi. Tôi cho rằng quy định luôn cần thiết nhưng phải phải có chừng mực. Không nên áp đặt hoàn toàn. Nếu công sở quy định ăn mặc lịch thiệp mà một người công chức, viên chức nào đó cố tình đi ngược lại, ăn mặc phản cảm thì họ cũng không còn xứng đáng để làm việc ở đó.
Chị Ph.Th.Tr, Nhân viên Doanh nghiệp nhà nước ở Cần Thơ cho biết:
Tôi thấy chỉ nên cấm quần jeans cách điệu, rách rưới, wax màu, áo thun không có cổ, in chữ, màu mè thôi. Còn lại những mẫu jeans thanh lịch, áo thun có cổ mà không màu mè, chói loà thì cứ cho mặc. Như tôi vẫn hay dùng mẫu áo thun của An Phước màu trắng, vàng nhạt, xanh nhạt rất đẹp, lịch sự. Lâu lâu đổi qua lại với sơ mi và đầm công sở sẽ đỡ nhàm chán, mình cũng cảm thấy thoả mái hơn.
Chị Nguyễn Hải An, thạc sĩ Quản lý khoa học vừa từ Singapore về quê Cần Thơ làm việc:
Tôi thấy quần jeans và áo thun có cổ nhìn lịch sự nhưng không thể hiện đủ tính nghiêm túc của người công chức làm việc ở những nơi như ủy ban, sở, ngành, những nơi tiếp công dân... Đây là những nơi thể hiện bộ mặt của chính quyền cần phải thể hiện sự trang nghiêm để vừa cho thấy sự tôn trọng với người dân vừa giúp người dân người dân có ý thức nghiêm chỉnh khi đến liên hệ làm việc.
Tuy nhiên, với những công nhân, viên chức bình thường như ở doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, thư viện, đài truyền hình, báo địa phương, ngoài đồng phục thì việc được mặc thêm áo thun có cổ, quần jeans (loại đơn giản) lại có thể giúp họ linh hoạt và thoải mái hơn trong công việc. Vì thế cũng có thể nâng cao năng xuất làm việc hơn.
Có thể linh hoạt hơn như cho mặc quần tầy, áo sơ mi từ thứ 2 đến thứ 5, thứ 6 cho mặc tương đối thoả mái nhưng vẫn đảm bảo sự văn minh, lịch sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.