Cấm dân ghi âm, ghi hình ngụy trang, vậy làm sao chống tiêu cực?

09/04/2017 19:57 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Ai mới được ghi âm, ghi hình ngụy trang? đăng trên Thanh Niên ngày 8.4.

Vi phạm quyền công dân
Nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình, cho dù đó là thiết bị ngụy trang cũng chỉ là các thiết bị thông thường, không phải là thiết bị đặc thù gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cũng không thuộc danh mục hàng quốc cấm. Vì thế, quy định cấm sử dụng các thiết bị này là vi phạm quyền công dân. Người dân hay nhà báo đều có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, để việc giám sát này có hiệu quả thì phải cho phép người dân và nhà báo sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi hình. Quy định chung chung “chỉ có cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm ghi hình, định vị…” sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Đây là một quy định cản trở người dân và nhà báo tiếp tục thực hiện việc chống tiêu cực, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trần Hùng Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Báo chí phải làm sao ?
Theo dự thảo nghị định, nhà báo không được đưa vào diện được phép sử dụng các thiết bị ngụy trang để ghi âm ghi hình thì làm sao điều tra chống tiêu cực, tham nhũng? Ai cũng biết rằng những chứng cứ thu thập được sẽ là tư liệu để nhà báo đưa các vấn đề tiêu cực ra trước công luận, nhưng quy định như vậy thì chẳng khác nào bó tay báo chí. Theo tôi, thời gian qua có thể có một bộ phận sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang để sử dụng vào mục đích không tốt, gây rối trật tự trị an… nhưng các hành vi ấy đã được điều chỉnh bởi các luật khác, vì thế không nên làm theo kiểu “vơ đũa cả nắm” như thế.
Đình Dũng (Q.12, TP.HCM)
Tại sao phải cấm ?
Nếu cho rằng có những cá nhân, đơn vị nào đó sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình xâm phạm đến đời tư cá nhân, làm mất an ninh trật tự để rồi cấm tất cả người dân sử dụng thì e rằng quá chủ quan và phi lý. Nếu cứ tư duy như vậy thì có lẽ tất cả các thiết bị, phương tiện con người đang sử dụng như dao, búa, điện thoại, xe cộ… đều có thể đưa vào diện cấm. Vấn đề quản lý là phải có các biện pháp tích cực hơn chứ không thể cứ không quản lý được là cấm. Hơn nữa, việc cấm người dân, kể cả nhà báo ghi hình, ghi âm ngụy trang như vậy sẽ tạo ra dư luận không tốt, người dân sẽ đặt ra câu hỏi: “Liệu cơ quan nhà nước có vấn đề gì mà phải sợ người dân ghi âm, chụp hình?”. Cần phải loại trừ ngay tư tưởng “không quản lý được là cấm” trong quản lý nhà nước.
Nguyễn Việt Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
       
Bộ luật Tố tụng hình sự và Tố tụng dân sự đã công nhận băng ghi âm, ghi hình là nguồn của chứng cứ. Vì vậy, nếu nghị định này được thông qua thì nội dung này đã mâu thuẫn với các văn bản luật. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc nhà báo, người dân sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang là rất phổ biến và thực tế đã có nhiều vụ tiêu cực được phanh phui nhờ những thiết bị này. Còn đối với trường hợp người sử dụng cố ý lạm dụng để phạm pháp thì đã có luật hình sự, hành chính, dân sự... để xử lý.
Luật sư Nguyễn Hiền Hà (Công ty luật TNHH MTV Hiền Hà, TP.HCM)
Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do kinh doanh và làm những điều mà luật không cấm. Việc cơ quan chức năng đưa ra một văn bản dưới luật để cấm đoán một hành vi mà Hiến pháp và luật không cấm là vi hiến. Thực tế việc người dân hay nhà báo sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi hình để chống tiêu cực đã mang lại nhiều kết quả, góp phần lớn vào việc đấu tranh chống tội phạm. Nếu nhà nước cấm kinh doanh, sử dụng các phương tiện này sẽ làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, từ đó tình hình xã hội sẽ phức tạp thêm.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung (Công ty luật TNHH Hồng Dung, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.