'Cấm dạy thêm học thêm có phải mất cần câu cơm không?'

16/02/2025 16:12 GMT+7

'Em hứng thú với ngành sư phạm nhưng quá nhiều người ngăn cản em. Nghề có gì nguy hiểm lắm hay sao mà cũng cản em. Dạo này bị cấm dạy thêm học thêm, có phải lỡ mất cần câu cơm không, em cũng lấn cấn...'.

Câu hỏi liên quan vấn đề "nóng" dạy thêm học thêm do học sinh một trường THPT tại Bình Dương đặt ra với các thầy cô trong chương trình Tư vấn mùa thi 2025 vừa diễn ra sáng nay, 16.2 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một.

'Cấm dạy thêm học thêm có phải mất cần câu cơm không?'- Ảnh 1.

Học sinh được tư vấn tại gian hàng Tư vấn mùa thi 2025 tại Bình Dương sáng nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá đây là một câu hỏi hay. Thạc sĩ Thanh Tú cho biết khi đang lựa chọn ngành nghề học, học sinh thường nghe được những lời khuyên từ những người xung quanh. Đó là gia đình, thầy cô, bè bạn. Ví dụ như "thôi ngành nghề này mày đừng học, thầy cô mình nghèo lắm, học làm chi". Hay có bạn sẽ nhận xét "tao thấy mày còn bộp chộp, nóng tính lắm, sư phạm không phù hợp đâu".

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Thanh Tú, đứng trước những lời khuyên này, học sinh phải là người phân tích vì sao bản thân mình lại "chưa phù hợp" theo nhận xét của mọi người. Và chính học sinh phải đánh giá, cảm nhận năng lực của bản thân là mình có thật sự phù hợp với ngành học không, vì sao mình chọn, mình thích ngành này như thế nào, mình có thể thay đổi bản thân để đáp ứng yêu cầu của ngành học không.

Chọn ngành học theo đam mê hay theo xu thế?

Trước băn khoăn của nam học sinh về cơ hội việc làm, điều kiện kinh tế khi lựa chọn ngành nghề sư phạm, những khó khăn của nghề, thạc sĩ Thanh Tú nói "ngành nghề nào cũng có những cơ hội, những khó khăn, thách thức. Không có việc gì là việc nhẹ lương cao".

"Chúng ta thường nghe nói rằng "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Vậy thì nghề sư phạm này là cực kỳ quan trọng. Trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều chính sách từ nhà nước để hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những người làm ngành sư phạm yên tâm giảng dạy", thạc sĩ Thanh Tú nói.

Đồng thời, theo Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành sư phạm trong tương lai còn nhận được nhiều sự quan tâm từ phụ huynh, xã hội, từ doanh nghiệp, những nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục... để thầy cô yên tâm công tác.

'Cấm dạy thêm học thêm có phải mất cần câu cơm không?'- Ảnh 2.

Các thầy cô trong đoàn tư vấn tại Bình Dương chia sẻ tới các em những góc nhìn về dạy thêm học thêm

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tóm lại, thạc sĩ Thanh Tú khuyên nam sinh khi lựa chọn ngành nghề, trước tiên cần xem mình mong muốn, ước mơ gì. Thứ hai, mục đích mình học ngành này để làm gì. Thứ ba là mình có khả năng đáp ứng ngành học hay không. Và cuối cùng là phải tự mình lựa chọn bằng chính quyết định của mình sau khi cân nhắc những lời khuyên của mọi người xung quanh.

Thông tư 29 dạy thêm học thêm mở ra thêm những định hướng cho cả giáo viên, học sinh

Đó là nhận định của tiến sĩ Huỳnh Tấn Lợi, Trưởng ngành tiến sĩ khoa học môi trường Trường ĐH Văn Lang, trước băn khoăn của em học sinh tại chương trình Tư vấn mùa thi.

Tiến sĩ Lợi cho biết mình từng là một học sinh được mọi người khuyên là nên đi theo ngành sư phạm, nhưng bản thân ông lại chọn học kỹ thuật nhưng sau cùng ông lại trở thành giảng viên, đứng trên bục giảng chia sẻ với các bạn sinh viên.

'Cấm dạy thêm học thêm có phải mất cần câu cơm không?'- Ảnh 3.

Chương trình Tư vấn mùa thi 2025 nhận được nhiều câu hỏi hay từ các học sinh

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Gần đây tiến sĩ Lợi được tiếp xúc nhiều với học sinh, các giáo viên THCS, THPT khi tập huấn cho các thầy cô phương pháp lồng ghép các vấn đề môi trường trong các hoạt động dạy học ở bậc trung học. Điều này cho thấy khi các thầy cô đi theo con đường sư phạm, họ luôn có cơ hội được nâng cao năng lực chuyên môn một cách chuyên sâu. Để các học sinh có thành tích ngưỡng mộ, đạt các giải thưởng nghiên cứu khoa học thì giáo viên cũng phải cải thiện, nỗ lực rất nhiều...

"Hiện nay, với câu chuyện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định dạy thêm học thêm thì theo tôi nhìn nhận, đó là cơ hội để mở ra thêm những hướng mới trong tìm kiếm phương pháp học tập hiệu quả hơn của học sinh, phương pháp dạy học của giáo viên để chất lượng giảng dạy được nâng cao. Việc dạy thêm học thêm được quản lý chặt chẽ hơn, được đăng ký kinh doanh, như vậy học sinh khi học thêm cũng được chất lượng hơn. Theo tôi đó không phải là rào cản để phát triển giáo viên các bậc từ tiểu học, THCS, THPT", tiến sĩ Lợi nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.