'Cấm' dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình: Nói mà không thấy làm?

07/03/2023 16:30 GMT+7

Bình luận về quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình, nhiều người đề nghị Bộ GD-ĐT phải giám sát, xử lý vì lâu nay việc này chỉ "nói mà không thấy làm".

Dưới bài viết "Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình" trên Báo Thanh Niên mới đây, nhiều bạn đọc tỏ ra chán nản vì Bộ GD-ĐT nhắc lại quy định đã có từ nhiều năm nhưng không biết có được thực thi nghiêm túc hay không.

Không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình: 'Nói mà không thấy làm' - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học chờ phụ huynh đến đón sau buổi học thêm

NGỌC DƯƠNG

Biết nhưng không xử lý?

Bạn đọc (BĐ) có tên Nguyễn Thị Hiền bình luận: "Ở trên cứ việc đưa ra nghị quyết này nọ, ở dưới vẫn dạy bình thường". BĐ Phượng Thân viết: "Lần nào thanh tra về kiểm tra đột xuất cũng đánh tiếng trước cho giáo viên nghỉ tuần không dạy thêm, rồi vẫn đâu vào đấy".

BĐ Q Hanh Nguyễn phản ánh: "Con tôi đi học về bảo cô giáo dạy thêm là chính chứ lên lớp đều mở máy chiếu cho học sinh chép vào vở xong rồi làm gì thì làm". Còn BĐ Thần Phong tỏ ra chán nản: "Nói mà không thấy làm, không kiểm tra xử lý". BĐ Veston Toàn: "Đề nghị ban nghành kiểm tra luôn và ngay đi ạ vẫn dạy thêm nhiều lắm"….

Một loạt các bình luận tỏ vẻ nghi ngờ quy định chỉ ban hành cho có, như: "Phải làm căng mới được"; "Khi nào mới đi vào thực tiễn?" hay: "Nói hoài mà có thực hiện được đâu!".

BĐ Ha Duc bình luận sâu hơn: "Chỉ đưa ra được các quy định mà không giám sát thực hiện thực tế, toàn nói cho có để báo cáo thì mãi mãi vẫn thế vì quy định chưa có hiệu lực giáo viên đã có phương án trị quy định, cuối cùng chẳng biết ai quy định cho ai".

BĐ Le Toan đề nghị "ngành giáo dục có giải pháp cụ thể để kiểm soát việc này, không nói chung chung kiểu ban hành thông tư cho có. Hiện tại gần như trường nào cũng có tình trạng này, và vẫn diễn ra bình thường trong khi đó chưa thấy một vụ nào xử lý việc này?"

Cùng chung bức xúc, BĐ Lê Văn Tạo viết: "Bát nháo dạy thêm, học thêm đã quá rõ ràng. Các cấp có thẩm quyền vẫn biết nhưng tại sao không xử lý được? Có dạy thêm là có tiêu cực, hình ảnh người thầy bị cuốn theo vòng xoáy cơm áo gạo tiền bất chấp cả thể diện".

Không công bằng với học sinh không học thêm

BĐ lấy tên Hokhacghi cho rằng, việc dạy thêm hiện nay là "gánh nặng cho gia đình và không công bằng với những em không đi học thêm vì bị phân biệt". Trả lời nhận xét này, BĐ Q.hanh nguyen bình luận: "Đúng rồi kiểu như không cho học thêm là cô coi như con mình không tồn tại trong lớp vậy".

BĐ Sangnguyenminh: "Con tôi thậm chí ban đêm vẫn cho học thêm 4 buổi một tuần ở gần nhà bởi nếu ở nhà tôi dạy bé học thì bé không nghe nhưng khi đi học cô nói gì là bé học gâm gấp. Bởi vậy tôi ủng hộ việc học thêm này".

BĐ lấy tên 3278 thì cho rằng: "Bây giờ dạy thêm cô giáo toàn cho đề thi trước nên học sinh cứ việc học thuộc lòng rồi làm theo. Mấy em chả hiểu gì hết chỉ thuộc thuộc và thuộc, mình thấy rất chán nản cách dạy này. Phải để cho các bé tự hiểu tự làm sẽ tốt hơn".

BĐ có tên Tran nghia phân tích: "Chuyện muôn thuở. Đây gọi là 'tự nguyện'. Các em không thể theo kịp bài học trên trường, phụ huynh yêu cầu, thầy cô 'thương' học sinh thì mở lớp thôi. Một bộ phận phụ huynh thì tâm lý 'ngoại giao' nên cho con học. Chúng ta thử làm một phép tính nho nhỏ  nhé: 1 giáo viên dạy học thêm 1 em học 1 buổi/tuần giá 500.000 đồng/tháng, cô giáo đó dạy 3 lớp/tuần, mỗi lớp khoảng 20 em học. Vậy sơ sơ thu được 30 triệu đồng/ tháng rồi. So với tiền lương thì ai cũng sẽ hiểu vì sao không bao giờ hết tình trạng học thêm".

BĐ Lam Nguyen thì phân tích nguyên nhân khách quan hơn, khi viết: "Có một thực tế ít người chịu thừa nhận là chương trình học nặng, sĩ số lớp đông, cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn nhưng cứ đòi người dạy, người học phải thế này thế kia. Giải quyết vấn đề theo kiểu thấy xã hội lên tiếng thì cắt chỗ này gọt chỗ kia nhưng không giải quyết một các triệt để, có hiệu quả. Nếu lớp học khoảng 30 em, cơ sở vật chất tốt, chương trình không quá dài và nặng về lý thuyết thì hiện tượng học thêm sẽ giảm thôi".

Chỉ riêng học sinh là không có nhu cầu?

BĐ Nguyễn Quang Linh thì nhình nhận việc dạy thêm, học thêm lâu nay vẫn diễn ra nhưng không ai quan tâm thực sự đến nhu cầu của chính người học  bình luận: "Việc học thêm phát xuất từ nhu cầu của đại đa số phụ huynh cũng như giáo viên, chỉ riêng các em là không có nhu cầu. Các em có nhu cầu học các môn năng khiếu, xã hội, làm quen với kỹ năng sống là những điều giúp ich cho công việc các em sau này. Phụ huynh cho con em đi học thêm vì: 1. Dạy con không được - thay vì xem lại cách mình dạy thì lại vì lý do này lại phó thác cho giáo viên. 2. Lợi ích về điểm số. 3. Cô thầy có quan tâm và bảo vệ đặc biệt cho các em - ví dụ như dù làm sai bài trên lớp cũng được bỏ qua thay vì bị điểm trừ. 4. Thường được tín nhiệm đặc biệt trong lớp.

Và còn nhiều lý do khác, phụ huynh muốn con mình được thì cô thầy giáo có dịch vụ để đáp ứng. Vấn đề là ai cũng vì nhu cầu mình mà quên mất trọng tâm là các em, các em muốn gì, các em đam mê nhạc, họa thì học toán yếu - thay vì cho các em học thêm nhạc, họa thì bắt các em đi học toán - thì sau này các em phát huy toán cũng không được, nhạc, họa cũng không xong".

Trước đó, Thanh Niên đã thông tin, cử tri một số địa phương gần đây đã kiến nghị cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Trả lời bằng văn bản, Bộ GD-ĐT đã nhắc lại quy định những trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trong đó nêu rõ: "Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa"...  


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.