Cảm động bất ngờ với những hộp quà làm thủ công từ người phụ nữ bệnh tim

06/07/2020 10:44 GMT+7

Mặc dù mang bệnh tim nhưng cô Nguyễn Thị Mai Hương vẫn cố gắng làm từng hộp quà lưu niệm để mưu sinh và gửi gắm trong đó biết bao tình cảm, khiến nhiều người trẻ cảm động.

Trong căn nhà nhỏ, nền thấp hơn mặt đường trên Đường  Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, treo đầy những hộp quà màu sắc, từ cổ điển đến hiện đại làm sáng bừng cả ngôi nhà. Với đôi tay gầy guộc, run rẩy, cô Nguyễn Thị Mai Hương, 64 tuổi, tỉ mỉ dán từng miếng giấy màu, khiến nhiều bạn trẻ vô cùng xúc động.

Đặt cái tâm trong từng chiếc hộp quà

“Hộp quà này bao nhiêu vậy cô ?”, một bạn trẻ hỏi giá.

“20.000 con ơi! Mà thôi con trả 10.000 đồng cũng được chứ mấy hôm nay có thu được đồng nào đâu, có tiền là mừng rồi”, cô Nguyễn Thị Mai Hương vừa nói dứt câu, bạn trẻ lấy 30.000 đồng ra trả vì sự khéo léo của chiếc hộp, cũng vì trân trọng những thứ được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo.

Là người “trả giá” chiếc hộp từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng, Nguyễn Thị Anh Trang, 28 tuổi, công tác tại Đoàn thanh niên, P.3, Q.10, TP.HCM, chia sẻ mình biết được tiệm của cô nhờ một người bạn giới thiệu, khi đến đây còn được cô hướng dẫn cách làm nữa.

“Mình biết những hộp quà này bán không lời được bao nhiêu đâu nhưng cô vẫn làm nhiều năm nay. Nhìn cô gói ghém từng tấm giấy màu mà cảm nhận được cái tâm đặt vào đó nên mình rất cảm động và khâm phục, giống như làm một cái điều tốt đẹp cho xã hội”, Anh Trang nói.

Những hộp quà được cô cẩn thận, tỉ mỉ làm rất chi tiết. Vào cuối tuần cô Hương thường bắt xe buýt ra Chợ Lớn, Q.5, TP.HCM, để mua nguyên liệu về làm

Ảnh: Tấn Đạt

Ngồi trò chuyện với cô Hương cùng chúng tôi, Trần Tuấn Tú, 22 tuổi, trú ngụ tại hẻm 79 Âu Cơ, Q.11, TP.HCM, cũng thừa nhận rằng công nghệ sản xuất, in ấn và thiết kế ngày càng phát triển đã tạo ra các sản phẩm hộp quà tặng ngày càng đa dạng và đẹp hơn, từ mẫu mã đến chất lượng để đáp ứng được nhu cầu trao tặng những món quà ý nghĩa.

“Nhưng thực sự nếu một món quà tặng được gói trong một chiếc hộp hay chiếc túi tự tay thiết kế, nó lại mang ý nghĩa và người nhận cảm thấy trân trọng hơn, bởi đó là thành quả, là những tình cảm mà người làm gửi đến. Đôi khi giá trị của món quà chính nhờ cách mình đặt cả tình cảm từ việc chọn chất liệu giấy, màu sắc, nơ trang trí rồi tự tay làm nên thành phẩm...thì nó mang lại hiệu ứng và cảm giác trân quý hơn so với những hộp quà túi giấy được làm hàng loạt”, Tuấn Tú nói.

Trân trọng những hộp quà do chính mình làm

Gần 5 năm nay, cô Nguyễn Thị Mai Hương đã chọn cái nghề làm hộp quà theo “phong cách” thủ công để kiếm sống.

“Hồi đó nhà cô bán bút bi, giấy tập cho học sinh nhưng càng ngày không có ai mua, vì người ta tìm ra nhà sách hết rồi. Tình cờ một hôm được tặng cái hộp quà đẹp lắm, tò mò tháo ra thấy cũng dễ  “chế biến” và nghĩ rằng hay mình học làm cái này để “kinh doanh”  và thế là đã gắn bó với cái nghề này nhiều năm qua”, cô Hương nói trong tiếng thở gấp.

Cô Hương còn chia sẻ: “Làm cái này dễ lắm, chỉ cần 3 bước là xong. Bước đầu mình tạo hình chiếc hộp bằng giấy cứng, sau đó dán giấy màu lên rồi lấy băng keo trắng dán  lại cho chắc chắn là xong. Nếu làm cho người trẻ thì chọn giấy màu sáng có hoa văn, người lớn tuổi thì màu tối, ban đầu cô làm vụng về lắm nhưng từ từ rồi quen thôi. Mấy năm trước làm một tuần cả 50 cái, từ khi bệnh tim hơn một năm nay thì khi nào cảm thấy khỏe mới làm. Thật sự, cô cũng biết nhiều cơ sở sản xuất bằng máy móc nhanh hơn, đẹp hơn nhưng với cô, những chiếc hộp được làm bằng tay mình cảm thấy trân trọng nó lắm và luôn tin rằng mọi người cũng có suy nghĩ như thế”.

Những hộp quà làm bằng tay được cô Hương cất vào tủ cẩn thận

Ảnh: Tấn Đạt

"Cứ sống vui vẻ, làm những điều mình thích"

Cô Nguyễn Thị Mai Hương còn sống chung với người em trai bị tai biến, tiền sử là bị bệnh tâm thần. Đó là chú  Nguyễn Văn Tạo, 60 tuổi. “Năm trước em cô bị tai biến xong vợ bỏ đi luôn, cô thì từ nhỏ đã độc thân nên hai chị em cố nương tựa nhau mà sống. Từ đi vệ sinh cho đến tiểu tiện một tay cô lo hết đó, em ruột mà bỏ sao nỡ", cô Hương tâm sự.

Cô Hương còn cho biết: "Có nhiều người hỏi sao không cho thuê nhà lấy tiền trang trải cuộc sống. Cô biết chứ, nếu cho thuê thì cũng có tiền nhưng mình thích sống như thế này hơn vừa an yên lại không ồn ào, xô bồ.  Có mấy đứa cháu ruột nói “sao sống như người tiền sử vậy ?” nhưng thôi mình cũng lớn tuổi rồi không biết chừng nào “đi”, cứ sống vui vẻ làm những điều mình thích là được”.

Từng mơ làm cô giáo dạy tiếng Anh 

“Không biết năm nay ngày Nhà giáo Việt Nam có tổ chức không tụi con ?”, cô Hương đã hỏi chúng tôi như thế. Vì đối với cô Hương, làm cô giáo dạy tiếng Anh là một trong những ước mơ của cô từ hồi nhỏ nhưng vì điều kiện và sức khỏe nên đành bỏ lỡ.

Cô Hương kể: “Đến ngày 20.11 là tụi nhỏ lại đây mua hộp quà nhiều lắm, đến đợt đó ngày nào cũng làm mà bán không kịp luôn. Nhìn cái cặp, chiếc áo trắng mà cô nhớ đến ước mơ của mình quá, nghề không chọn mình thì biết làm sao... Tuổi trẻ bây giờ năng động thiệt, cô thì không giỏi như người ta nhưng cô mong rằng người trẻ luôn lấy câu “tiên học lễ, hậu học văn” lên làm đầu”.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.