|
Hà Nội đang trải qua những ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa đông năm nay. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 1 giờ sáng ngày 31.12, nhiệt độ giảm sâu chỉ còn 10 độ C. Thời tiết giá lạnh khiến nhiều người đổ bệnh; người già, trẻ em ùn ùn nhập viện.
Mới 20 giờ tối nhưng hành lang trước phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư đã kín chỗ, người nhà bệnh nhân mang theo chăn chiếu chia nhau chỗ nằm để chuẩn bị cho một đêm ngủ ở bệnh viện.
Gần hai tháng nay từ ngày đưa con vào điều trị ở Bệnh viện Nhi T.Ư vì suy hô hấp, anh Chu Mạnh Hùng (ở xã Tiền Phong, huyện n Thi, Hưng Yên) đã quá quen với đêm ngủ hành lang bệnh viện. Vợ trông con trong phòng điều trị còn anh Hùng lang bạt kiếm chỗ ngủ qua đêm vì không có tiền thuê trọ. Hành lang, gốc cây, gầm cầu thang… bệnh viện, bất kỳ nơi nào khuất gió cũng đều thành chốn ngủ tạm bợ qua đêm của anh.
“Tài sản” đáng giá nhất của anh Hùng là vỏ chăn nhung cũ kỹ, đã bạc màu mỏng tang, một tấm nilon và 2 manh chiếu cói nhỏ, hẹp đến mức nằm chẳng đủ 2 người.
Cả đợt rét vừa rồi, anh Trần Văn Chung (xóm Tân Thắng, xã Đông Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng chỉ có một tấm chăn mỏng mang từ quê đi, chiếu không dám mua, để dành tiền chữa bệnh cho con. Con chữa bệnh tốn kém, bữa nào anh cũng chỉ ăn mì tôm, uống nước lọc. Đã 5 hôm nay, đêm nào anh cũng nằm chung manh chiếu với anh Hùng ngoài hành lang bệnh viện.
“Đi viện mới thẩm thía nỗi khổ vì đói, rét. Đêm ở viện dài và rét buốt đến thấu xương, may có chăn chiếu của anh Hùng ngủ nhờ nếu không cả đêm sẽ thức trắng vì lạnh”, anh Chung chia sẻ.
Khoảng sân nhỏ trước khoa Tim mạch ở Bệnh viện Bạch Mai cũng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động giữa những con người nghèo khó.
Hơn một tháng nay, đêm nào cô Lê Thị Tam (ở phường Đoàn Kết, Thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu) cũng trải chăn chiếu ngủ trên 2 ghế đá ghép lại ở góc sân bệnh viện. Chỗ nằm vốn đã chật hẹp chẳng đủ cho một người, thế nhưng đêm xuống, tính cả cô, có 3 người cùng chen chúc. Chỗ hẹp nên chú Dũng (quê Nam Định) chỉ ngồi đắp chăn cho tới sáng. Cô Tam đi chăm sóc mẹ, còn chú Dũng chăm bố, hai bệnh nhân cùng nằm chung một phòng cấp cứu của khoa Tim mạch.
Một ngày người nhà chỉ được vào thăm từ lúc 16 giờ đến 21 giờ tối. Nhiều hôm đến giờ thăm, chú Dũng đi chạy xe ôm chưa kịp đến, cô Tam chăm sóc hộ người bệnh, thậm chí giúp đi vệ sinh, giặt giũ quần áo.
Cũng tại bệnh viện này, chỉ một chiếc phích nhỏ, vài cái cốc nhựa, chị Hoa (quê Thanh Sơn, Phú Thọ) đêm nào cũng lang thang bán nước chè nóng. Tiền kiếm được chị chi tiêu tằn tiện để dành chạy thận mỗi tuần 2 lần. Sợ nặng gánh cho gia đình, chị lên Hà Nội trọ, ngày chữa bệnh, đêm đi bán nước chè. Thương chị, đến bữa, người nhà bệnh nhân cùng xúm lại mua cơm chia cho ăn cùng, hoặc đi ăn ở đâu cũng về uống nước chè giúp chị đắt khách.
Chị Hoa kể, mùa đông rét, chè nóng đắt hàng lắm, mỗi đêm cũng bán được 50-70 cốc, giá 3.000 đồng/cốc. Chị nhớ lại không ít lần đang ngồi bán nước, chân tay bỗng nhiên rã rời, rồi ngất xỉu đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, đã thấy mình trong phòng bệnh.
“Hơn 10 năm nay tôi sống và chữa bệnh nhờ vào tình yêu thương của những người nhà bệnh nhân. Đó là thứ quý báu nhất trong những ngày đi viện”, chị Hoa rưng rưng nói.
Nguyễn Tuấn
>> Ăn kem giữa ngày giá rét
>> Miền Bắc giá rét, miền Nam nắng nóng
>> Xuống đồng trong giá rét
>> Tình người sau bão lũ
>> Cung bậc của tình đời, tình người
>> Tình người sau vụ cháy kinh hoàng
Bình luận (0)