Cảm động về chàng trai bị F0 đi chăm sóc sản phụ F0

07/09/2021 14:14 GMT+7

Đi chống dịch và không may bị lây nhiễm Covid-19 , nhưng một chàng trai ở TP.HCM vẫn quyết định ở lại để chăm sóc nhiều sản phụ F0.

Sau khi trúng tuyển và trở thành tình nguyện viên đi chống dịch của Thành đoàn TP.HCM, Trần Huỳnh Tấn (ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM) có mặt khắp nơi, tham gia nhiều nhiệm vụ hỗ trợ người dân. Hiện tại anh đang giúp đỡ cho các sản phụ bị F0 vượt qua dịch bệnh. 

“Không có gì ngoài sức khỏe của tuổi trẻ”

Tình nguyện viên Huỳnh Tấn được điều động đến trực những chốt “vùng đỏ”, “vùng xanh” của nhiều quận rồi thực hiện các công việc như vận chuyển hàng hóa, đi mua nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly.
Tấn chia sẻ năm ngoái bản thân đã có ý định đăng ký tham gia chống dịch nhưng vì công việc cá nhân nên không thể tham gia. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 năm nay, khi chứng kiến tình hình dịch diễn biến phức tạp, anh nhất quyết phải tham gia chống dịch.
“Tôi không có gì ngoài sức khỏe của tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Đối với tôi những công việc tham gia trên không hề khó khăn”, Tấn bộc bạch.

Những ngày đầu tham gia chống dịch

Ảnh: NVCC

Vào ngày 25.8, Tấn được điều động đến Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM để chăm lo cho các sản phụ F0. Tấn được phân công các nhiệm vụ như: giao nhận, trả đồ cho sản phụ, đến điểm danh, tiếp nhận thông tin, dọn dẹp lưu trữ đồ cá nhân khi các chị, em chuyển mổ. Mỗi ngày, Tấn làm việc từ sáng đến chiều tối.

Phân phát rau củ quả cho người dân

Ảnh: NVCC

Tấn và nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên khác đang ngày đêm tham gia chống dịch

Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương cung cấp

“Là con trai nên lúc đầu hơi ngại ngùng nhưng làm vài ngày rồi quen. Tôi thấy may mắn hơn là trước đó nhờ đi chống dịch nên đã có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm từ dễ đến khó. Do đó, việc vào bệnh viện chăm sóc sản phụ F0 thì khá dễ dàng. Tuy nhiên, những ngày đầu có mệt mỏi, khó khăn nhưng nhờ thế mà tôi mới hiểu được cảm giác của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu”, Tấn chia sẻ.

Luôn tỏa ra năng lượng tích cực

Khoảng 1 tuần sau, Tấn được xét nghiệm nhanh, có kết quả dương tính với Covid-19. Thay vì buồn rầu, anh vẫn luôn tỏa ra năng lượng tích cực, lạc quan và yêu đời. Chàng trai quyết định “trực chiến” ở bệnh viện.
Tấn được sắp xếp các công việc vòng trong để hỗ trợ trực tiếp cho các sản phụ F0 như: Chăm lo ăn uống, trực oxi, phát quần áo, thay khăn trải giường…
Ngày qua ngày, Tấn vừa chiến đấu với Covid-19 vừa chăm sóc sản phụ F0 với niềm tin mãnh liệt. “Lúc vào bệnh viện, tôi đã xác định tư tưởng, sẵn sàng tâm lý nếu mình không may trở thành F0 và luôn động viên bản thân phải cố gắng giúp người ta chứ không phải vô đây mang tâm lý sợ hãi, điều ấy khiến người khác lo lắng hơn”, Tấn chia sẻ.

Tấn không bao giờ buồn rầu vì như thế dễ bị ảnh hưởng đến tâm trạng sản phụ

Ảnh: NVCC

Tình nguyện viên này chia sẻ anh có thể cảm nhận rõ sự sợ hãi của những sản phụ F0 nên cố gắng lan tỏa năng lượng tích cực, luôn hỏi thăm và động viên họ. “Tôi thường hay tâm sự với các mẹ: nhà em có ông bố 65 tuổi. Lúc em đi chống dịch thì xác định không về nhà để tránh lây nhiễm cho gia đình. Ở đây, em tự động viên bản thân, mỗi ngày thức dậy là một sự hạnh phúc”, Tấn chia sẻ.

Nhiều sản phụ F0 đang ngày đêm giành lại sự sống cho bản thân và con mình

Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương cung cấp

Rồi anh Tấn kể: “Người bình thường khi mang thai đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thở rồi nhưng các chị ở đây thì khác các chị vừa mang thai vừa bị nhiễm Covid-19 nữa nên việc thở gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy trẻ sơ sinh chào đời lại không được ở cạnh bên mẹ mà phải ở một khoa tách biệt hoàn toàn”.

Tấn luôn tỏa ra năng lượng tích cực

Ảnh: NVCC

Từ khi tham gia chống dịch, Tấn kết bạn được nhiều hơn, thấu hiểu được những cung bậc cảm xúc của cuộc sống. “Đi hỗ trợ mọi người tôi nhận được nhiều niềm vui, sự yêu thương và nhẫn nại. Tôi cũng học được nhiều bài học về việc quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Tôi nhận ra rằng khi mang lại hạnh phúc cho ai đó thì bản thân mình cũng sẽ nhận lại được sự hạnh phúc”, Tấn tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.