Cảm động vì tấm vé máy bay thương gia để cha kịp về đám tang con gái

20/04/2021 08:25 GMT+7

Người cha quê Nghệ An về dự đám tang con gái bị tai nạn giao thông nhưng chuyến bay bị muộn giờ. Anh ngồi khóc ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và được một người khách mua tặng vé hạng thương gia để kịp về tiễn con.

Nước mắt người cha

Câu chuyện về tình người đầy cảm động này được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua khiến cư dân mạng rưng rưng. Câu chuyện “Nước mắt đau đớn của người cha mất con và tấm vé thương gia” được cư dân mạng chia sẻ: “Đây là tấm vé thương gia của hãng hàng không mà chúng tôi đón anh vào phòng chờ chiều nay. Anh nói với chúng tôi đây là lần đầu đi máy bay, nhờ các cô hỗ trợ giúp. Đến 17 giờ, anh lại ra lễ tân phòng chờ nhờ chúng tôi chỉ lối lên máy bay. Tôi nói chuyến của anh tận 20 giờ hơn nên anh cứ chờ. Mắt anh rưng rưng. “Con gái tôi mất rồi cô ơi, cô cho tôi bay sớm với!”.
Tấm vé hạng thương gia được một người tốt bụng tặng anh Trần Văn Hải để anh về quê kịp nhìn con gái lần cuối Ảnh: CTV

Tấm vé hạng thương gia được một người tốt bụng tặng anh Trần Văn Hải để anh về quê kịp nhìn con gái lần cuối

Ảnh: CTV

“Tôi và cả cô đồng nghiệp lặng người trong phút chốc. Anh lại òa khóc. Mọi người xung quanh phòng chờ ngỡ ngàng. Tôi và cả cô đồng nghiệp bối rối rồi cố bình tĩnh tìm mọi cách hỗ trợ chuyến bay cho anh. Muốn bay sớm hơn phải mua bay hãng khác. Ngay lúc ấy, có một chị khách trong phòng chờ đến và hỗ trợ toàn bộ tiền vé mới để anh có thể bay sớm nhất. Tất cả đã cũng hỗ trợ tốt nhất có thể cho anh về với gia đình”.
“Anh kể với mọi người trong nước mắt: Gần 20 năm xa quê làm công nhân ở Bình Dương chỉ để kiếm tiền gửi về quê nuôi ba đứa con. Hai đứa con gái lớn năm nay học 12 chuẩn bị vô đại học, một đứa bé học lớp 4. Hôm nay, hai cô con gái đi học thì bị ô tô tông, một em tử vong tại chỗ, một em gãy chân cấp cứu. Giờ anh phải về gấp... Rồi anh lại khóc. Anh mở ví ra, trong đó chỉ còn vài trăm nghìn (chắc trước đó đã gom hết tiền mua vé rồi). Tôi có hướng dẫn anh cách đổi chặng để đi máy bay vào lại nhưng anh bảo tôi vào bằng xe đò được rồi cô ạ... (vì anh nghĩ đi vào sẽ mất tiền). Anh cảm ơn mọi người bằng ánh mắt rưng rưng rồi chào và lên máy bay. Tôi nhìn trên bảng điện tử, chuyến bay của anh đã cất cánh. Chuyến bay mang anh về với gia đình và đối diện với nỗi đau của cuộc đời...”.

Vơi bớt nỗi đau

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, người cha trong câu chuyện trên là anh Trần Văn Hải (47 tuổi, quê ở xã Nghi Lân, H.Nghi Lộc, Nghệ An), công nhân ở Bình Dương. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra chiều 17.4, trên đường N5 (H.Nghi Lộc) khi hai chị em sinh đôi là Trần Thị Thảo và Trần Thị Huyền (18 tuổi, học sinh lớp 12) đi bộ từ nhà đến trường thì bị chiếc xe tải tông trúng. Vụ tai nạn khiến người em tử vong, người chị bị thương nặng.
Chia sẻ với PV, anh Hải kể, anh vào Bình Dương làm công nhân gần 20 năm nay. Chiều 17.4, anh đang làm việc thì nhận được điện thoại của vợ báo tin con gái bị tai nạn. Anh liền xin nghỉ việc để về quê. Vì muốn về gấp để nhìn mặt con gái lần cuối nên anh nhờ người chở lên sân bay Tân Sơn Nhất hỏi mua vé chuyến bay về Nghệ An sớm nhất. Đây cũng là lần đầu tiên anh đi máy bay. Lúc đó, chuyến bay về sân bay Vinh (Nghệ An) chỉ còn vé giá 4,6 triệu đồng, anh Hải lại không đủ tiền nên phải mua vé thường chuyến bay cất cánh lúc 20 giờ 25 với giá hơn 2 triệu đồng.
“Ngồi chờ ở sân bay, tôi suốt ruột và thương con nên khóc òa lên. Có một chú người Hà Nội hỏi chuyện tôi rồi nhiều người biết hoàn cảnh tôi nên xúm lại động viên tôi. Một người trong số đó đã mua giúp cho tôi tấm vé hạng thương gia chuyến bay về Vinh cất cánh lúc 18 giờ 30”, anh Hải nói. Khi về đến sân bay Vinh lúc 21 giờ đêm, một người đi cùng chuyến bay đã giúp anh Hải đón taxi về nhà.
Vợ anh Hải sức khỏe yếu, cuộc sống gia đình chỉ nhìn vào đồng lương công nhân của chồng. Ngày 19.4, sau khi lo xong đám tang cho người con gái thứ, anh Hải lại phải tất bật vào Bệnh viện đa khoa Nghệ An túc trực bên cô con gái đầu đang nằm điều trị tại đây. Do vết thương phải phẫu thuật, vợ chồng anh đang phải chạy vạy vay tiền để cứu con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.