“Số phận” sân vận động (SVĐ) Chi Lăng vừa được xới lại khi đại án Phạm Công Danh kết thúc, và nhất là tuyên bố của lãnh đạo TP.Đà Nẵng hôm 12.7 tại phiên tiếp thu và giải trình các vấn đề trong kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9.
tin liên quan
Những thương vụ 'ma quỷ' trên Sân vận động Chi LăngLoay hoay trước “14 mảnh vỡ”
Như Thanh Niên đã thông tin, trong phiên họp này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã nêu quyết tâm của địa phương trong việc thu hồi “14 mảnh vỡ” là 14 lô đất tại SVĐ Chi Lăng. UBND TP.Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng và lấy lại SVĐ phục vụ nhu cầu phát triển của TP.
“TP.Đà Nẵng không ủng hộ và không thể nào làm được khi 14 lô đất chia ra, trở thành 14 dự án, khu vực chia cắt tổng thể SVĐ Chi Lăng. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo các ngành chức năng sớm nhất và đây cũng là quyết tâm của TP.Đà Nẵng. Chúng ta phải chuẩn bị quyết tâm và nguồn lực để thương lượng với các cơ quan liên quan nhằm lấy lại SVĐ Chi Lăng trong quá trình thi hành án”, ông Thơ nói.
Còn theo bản án tuyên đối với đại án Phạm Công Danh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (302 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) và Phạm Công Danh (90 đường số 3 cư xá Lữ Gia, Q.11, TP.HCM) có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam 3.946 tỉ đồng, 833 triệu đồng (làm tròn) và các khoản lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký kết năm 2012 và năm 2014. Đáng chú ý, 2 tài sản thế chấp khoản vay là SVĐ Chi Lăng (bị kê biên từ năm 2014 để đảm bảo thi hành án) và khu đất 209 Trường Chinh (2,3 ha)…
|
Quyết tâm và khát khao của chính quyền và người dân TP là vậy, nhưng số phận “thánh địa” hiện nay lại không do TP định đoạt. Ông Lâm Hồng Anh, Cục phó Cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng, cho hay đơn vị đang lập các thủ tục để tiến hành xử lý tài sản theo bản án tuyên, hiện đang chờ kết quả phối hợp với các sở ngành, chính quyền các cấp TP.Đà Nẵng làm rõ các vấn đề vướng mắc đối với tổ chức cá nhân quản lý tài sản, mặt bằng SVĐ Chi Lăng. Nếu phát sinh mà ngành thi hành án không tháo gỡ được thì báo cáo cơ quan cấp trên để có hướng xử lý.
“Áp dụng điều 127 Luật Thi hành án dân sự, tiếp đó thi hành án cho các bên liên quan thỏa thuận giá, nếu không thống nhất thì thi hành án chọn tổ chức thẩm định và thông báo giá. Nếu các bên không thống nhất tổ chức bán đấu giá thì thi hành án ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá để bồi thường”, ông Lâm Hồng Anh nói.
Như vậy, bài toán giành lại SVĐ Chi Lăng giờ đây phụ thuộc phần lớn về phía được thi hành án là Ngân hàng Xây dựng, mà Phạm Công Danh có nghĩa vụ phải bồi hoàn khoảng 4.000 tỉ đồng (chưa tính lãi), bằng cách mang ra đấu giá để đảm bảo thi hành án.
tin liên quan
Đà Nẵng quyết lấy lại Sân vận động Chi LăngSẽ tham vấn nhiều nơi
Luật sư Trần Tuấn Lợi, Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, Chánh văn phòng Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, cho rằng quyết định của tòa án buộc phải thi hành án nhưng các bên có quyền thương lượng, thỏa thuận để thi hành án, không thương lượng được thì buộc phải cưỡng chế, kê biên.
“TP muốn giữ lại, nhưng giả sử ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh không có khả năng bồi hoàn, còn Ngân hàng Xây Dựng thì buộc phải bán SVĐ để thu hồi hơn 4.000 tỉ đồng, như vậy nhu cầu và nguyện vọng các bên không gặp nhau, có lẽ khó thương lượng. Do đó TP mới kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành trung ương cho giải pháp, có thể hoán đổi dự án chẳng hạn”, luật sư Trần Tuấn Lợi gợi ý.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về cách thức cũng như nguồn lực của TP.Đà Nẵng trong việc lấy lại SVĐ Chi Lăng, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định: "Đó là công việc không dễ và cần phải quyết tâm. Mình sẽ bàn kỹ, tham vấn nhiều nơi và báo cáo Thường vụ Thành ủy trước đã”.
Theo ông Thơ, hiện nay Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đang thi hành án vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, trong đó có các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất SVĐ Chi Lăng và đánh giá việc thi hành án “sẽ rất khó và phức tạp”.
“Khu đất chưa có quy hoạch chi tiết mà đã chia làm 14 sổ đem thế chấp nhiều nơi, nguy cơ khu đất sẽ bị vỡ vụn. TP sẽ bàn với Cục Thi hành án và sẽ có kiến nghị với các cơ quan hữu quan để thảo luận kỹ vấn đề này trên tinh thần bảo đảm dự án là một tổng thể hoặc giữ lại khu SVĐ này”, ông Thơ thông tin.
Địa danh lịch sử
Ngoài việc người hâm mộ bóng đá đặt tên là “thánh địa” Chi Lăng do SVĐ Chi Lăng gắn liền với thành tích bóng đá của Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) từ thập niên 90 của thế kỷ 20, nơi đây cũng là địa danh lịch sử, là SVĐ đầu tiên của Đà Nẵng xây dựng lần đầu năm 1943.
Ngày 28.8.1945, UBND Cách mạng lâm thời thành Thái Phiên mít tinh mừng thắng lợi với 20.000 người tham gia, hiện ở cổng số 5 vẫn còn tấm bia đá khắc nội dung về sự kiện này.
Nơi đây, Mỹ - ngụy bắn chết chiến sĩ Lê Độ (người được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng Huân chương Thành đồng), theo Lịch sử Đảng bộ TP.Đà Nẵng 1954 - 1975.
Ngoài ra, có 2 cuộc mít tinh trọng đại khác vào ngày 7.4.1975 (mừng giải phóng Đà Nẵng) và 15.5.1975 (mừng giải phóng miền Nam).
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)